Trước động thái Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75 % của và hàng loạt ngân hàng trung ương vừa tăng lãi suất, ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức điều chỉnh tăng lãi suất điều hành. VND hiện là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới, khoảng gần 4%.
Gắng giữ ổn định lãi suất cho vay
Thông tin tại họp báo ngày 23/9, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, quyết định tăng lãi suất của NHNN nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Đây cũng là ưu tiên số một của NHNN trong thời gian tới. Dù tăng lãi suất điều hành, nhưng NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, NHNN không điều hành lãi vay, vì đây là thoả thuận giữa ngân hàng và người vay.
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, những thay đổi nhanh chóng của thị trường tài chính quốc tế gần đây đã tạo áp lực lớn lên công tác điều hành chính sách, đặc biệt là lãi suất và tỷ giá. FED đẩy nhanh lộ trình thắt chặt tiền tệ khiến USD tăng giá, dẫn tới mặt bằng tỉ giá xáo trộn lớn. Ngân hàng trung ương các nước phải tăng lãi suất điều hành để đảm bảo tỉ giá không bị ảnh hưởng quá lớn.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc NHNN tăng lãi suất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việc tăng lãi suất giải quyết 2 vấn đề. Thứ nhất, làm tăng giá tiền VND trước sức ép đồng USD tăng giá trong bối cảnh FED tăng lãi suất. Sức ép tỉ giá hối đoái căng thẳng từ đầu năm tới nay với mức tăng trên 4%. Nếu FED tiếp tục tăng lãi suất, tỉ giá hối đoái có thể tiếp tục tăng. Vì vậy, Việt Nam tăng lãi suất để kìm hãm đà tăng của tỉ giá.
“Nếu không kìm hãm được tỉ giá hối đoái, giá hàng hóa nhập khẩu tăng và làm lạm phát tiếp tục tăng cao. Điều chỉnh lãi suất còn có tác dụng kiểm soát tín dụng, thắt chặt tiền tệ. Trên cơ sở này để ổn định giá trị đồng tiền và chống lạm phát”, ông Nghĩa nói và cho biết, đầu năm 2022, Chính phủ đề ra mục tiêu giảm lãi suất trên cơ sở chương trình phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp mong muốn lãi suất tiếp tục hạ để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đó là mong muốn chủ quan của cơ quan chức năng và doanh nghiệp. Trong khi, tác động khách quan từ bên ngoài rất mạnh. Vì vậy, chúng ta cần có biện pháp linh hoạt đối phó. Nếu NHNN không tăng lãi suất điều hành, lãi suất trên thị trường vẫn sẽ tăng. Thực tế, khoảng 2-3 tháng gần đây, lãi suất trên thị trường đã tăng.
Mỹ tăng lãi suất tác động gì đến châu Á?
Việc FED và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới tăng lãi suất có thể tác động đáng kể đến châu Á. Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần có chính sách phù hợp với nền kinh tế của mình, đặc biệt tập trung vào việc giúp đỡ những người nghèo và dễ bị tổn thương, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
FED tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm lên 3-3,25%, mức cao nhất trong gần 15 năm qua nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Các quan chức FED dự báo, Mỹ sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất cơ bản lên khoảng 4,4% vào cuối năm nay và tăng thêm vào năm tới, lên khoảng 4,6% – mức cao nhất kể từ năm 2007. Bằng cách tăng lãi suất cho vay, FED làm cho việc vay thế chấp hoặc vay mua ô tô hoặc kinh doanh trở nên tốn kém hơn.
Khi đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ đi vay và chi tiêu ít hơn, giúp hạ nhiệt nền kinh tế, làm chậm tốc độ lạm phát. Lãi suất cao hơn của Mỹ thu hút các khoản đầu tư toàn cầu và tăng giá trị của đồng USD. Điều đó giúp ích cho Mỹ, nhưng làm suy yếu các nền kinh tế khác, khiến mọi thứ từ trả nợ đến nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.
Có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Tính đến ngày 16/9, tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế đạt 10,4% so với cuối năm 2021 và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tín dụng vẫn tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động, tạo đà phục hồi kinh tế. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14%, nhưng sẽ điều chỉnh tùy theo diễn biến, tình hình thực tế.
Lãi suất tăng làm giảm thanh khoản toàn cầu và điều này có thể làm chậm sự phục hồi của châu Á theo một số cách, theo ADB. Đối với các doanh nghiệp, môi trường tín dụng thắt chặt hơn dẫn đến chi phí đi vay cao hơn, làm giảm khả năng sinh lời và các ưu đãi đầu tư của họ. Khi chi phí đi vay tăng lên, các hộ gia đình có xu hướng chi tiêu ít hơn, đặc biệt là hàng tiêu dùng lâu bền và nhà ở. Nhu cầu giảm và tăng trưởng toàn cầu yếu hơn đặt ra những thách thức đối với ngành sản xuất và xuất khẩu của châu Á.
Việc thắt chặt tiền tệ ở Mỹ khiến nhiều nhà đầu tư rút tiền ra khỏi các nền kinh tế châu Á, gây ra sự sụt giá tiền tệ ở hầu hết nền kinh tế. Đồng tiền mất giá mạnh thường làm tăng áp lực lạm phát thông qua giá nhập khẩu lương thực và năng lượng cao hơn, làm cán cân vãng lai lệch nhiều hơn và do đó có thể dẫn đến việc các quốc gia gặp khó khăn trong việc thanh toán các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu của họ hoặc trả các khoản nợ nước ngoài.
Các nước đang phát triển ở châu Á sẽ không tránh khỏi tác động lan tỏa từ việc thắt chặt tiền tệ ở Mỹ và các nền kinh tế lớn khác, nhưng khu vực này có đủ khả năng để đối phó với hậu quả, ADB nhận định. Trong vài thập kỷ qua, đặc biệt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, hầu hết các nền kinh tế khu vực đã áp dụng các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng, bao gồm tỉ giá hối đoái linh hoạt để đối phó các cú sốc bên ngoài, chính sách tiền tệ chủ động để kiềm chế lạm phát và chính sách tài khóa phù hợp để giữ nợ công ở mức hợp lý và bền vững. Những biện pháp này, cùng với những nỗ lực không ngừng nhằm tăng cường hệ thống an sinh xã hội, sẽ rất quan trọng trong những tháng và những năm tới.
>>> Xem thêm