Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo ngân hàng mới

Trong các thủ đoạn lừa đảo có việc tội phạm công nghệ cao giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết sự cố, sau đó chiếm đoạt tiền của khách hàng. Các ngân hàng vừa đưa ra cảnh báo một loạt các thủ đoạn lừa đảo ngân hàng mới xuất hiện, nhằm giúp khách hàng nhận diện và phòng tránh được các rủi ro.

Trên thị trường đang xuất hiện 3 thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng tội phạm tài chính, bao gồm:

Thủ đoạn lừa đảo thứ nhất: Giả mạo đường dây nóng của ngân hàng trên công cụ tìm kiếm

Lợi dụng mục quảng cáo trên Google Searches, tội phạm tài chính dùng thủ đoạn đăng tải số điện thoại đường dây nóng giả để mạo danh ngân hàng. Số điện thoại giả mạo này sẽ xuất hiện khi khách hàng tìm kiếm thông tin liên lạc của ngân hàng.

Khi có nhu cầu, khách hàng gọi đến đường dây nóng là số điện thoại giả mạo và không biết rằng mình đang nói chuyện với nhóm tội phạm mạo danh là nhân viên ngân hàng.

Vì cho rằng số điện thoại đang được gọi là đường dây nóng thật của ngân hàng nên khách hàng tin tưởng và chia sẻ thông tin của chính mình (tên đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mật khẩu, OTP) theo hướng dẫn của chúng.

Với loại hình tội phạm này, cần lưu ý: OTP và PIN là thông tin tuyệt mật. Chỉ có tội phạm mới yêu cầu khách hàng chia sẻ thông tin tuyệt mật.

Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo ngân hàng mới

Thủ đoạn lừa đảo thứ hai: Chuyển hướng cuộc gọi

Tội phạm thường giả là nhân chăm sóc khách hàng của các nhà mạng để gọi hỗ trợ giải quyết sự cố về bảo mật. Tội phạm yêu cầu nạn nhân nhắn tin theo cú pháp nhất định nhằm mục đích đăng ký chuyển hướng cuộc gọi, từ đó các cuộc gọi đến số điện thoại của nạn nhân sẽ được tự động chuyển sang số điện thoại của tội phạm.

Tội phạm sẽ đăng nhập vào tài khoản của nạn nhân trên các ứng dụng của tổ chức tài chính và yêu cầu thay đổi mật khẩu. OTP để xác nhận thay đổi mật khẩu sẽ được gởi qua cuộc gọi đến số điện thoại của nạn nhân, mà lúc này đã được tự động chuyển hướng đến số điện thoại của tội phạm. Tội phạm sẽ ngay lập tức tiến hành các giao dịch lừa đảo ngay sau khi nhận OTP và thay đổi mật khẩu.

Với loại hình tội phạm này, cần lưu ý: Khách hàng hãy liên lạc tổng đài của công ty viễn thông hoặc đến các điểm giao dịch của công ty viễn thông để kiểm chứng thông tin trước khi thực hiện các yêu cầu.

Thủ đoạn lừa đảo thứ ba: Lừa đảo dưới hình thức quyên góp từ thiện (lừa đảo từ thiện)

Đây là hành vi lừa đảo mà kẻ lừa đảo mạo danh một tổ chức từ thiện có thật hoặc giả là một người cần sự giúp đỡ, để kêu gọi người khác quyên góp tiền.

Những cuộc xung đột gần đây đã gây ra nhiều thiệt hại lớn và làm tăng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp dưới hình thức quyên góp điều này cũng tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo lợi dụng lòng hảo tâm của mọi người để trục lợi. Một số phương thức lừa đảo từ thiện phổ biến mà tội phạm thường xuyên sử dụng có thể kể đến như: qua thư điện tử, quảng cáo biểu ngữ, các bài đăng/chia sẻ trên mạng xã hội, cuộc gọi và tin nhắn kêu gọi đóng góp.

Ngoài ra, bên cạnh nội dung liên quan đến cứu trợ, những kẻ lừa đảo có thể đính kèm các liên kết và tập tin độc hại để lừa đảo nạn nhân nhấp vào. Các liên kết và tập tin độc hại này phát tán phần mềm đánh cắp thông tin trên máy tính cá nhân và thiết bị di động.

Với loại hình tội phạm này, cần lưu ý: hãy cẩn trọng với các bài đăng kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội, tìm hiểu thật kỹ cá nhân/tổ chức mà bạn muốn giúp đỡ trước khi chuyển tiền. Cẩn thận trước những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo mới

Theo ngân hàng, kẻ gian sử dụng tên và hình ảnh đại diện của một người để lập tài khoản mạng xã hội, tiếp theo mở tài khoản ngân hàng mạo danh người đó để lừa đảo, vay tiền bạn bè, người thân.

Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo ngân hàng mới

Do tin tưởng vào thông tin, hình ảnh cá nhân, tài khoản trùng khớp nên bạn bè, người thân của người đó đã chuyển tiền cho kẻ mạo danh. Khi bị phát hiện, kẻ gian lập tức chặn, xóa hoặc đổi tên tài khoản.

Kẻ xấu cũng có thể giả danh cán bộ ngân hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Cụ thể, kẻ gian tiếp cận nạn nhân và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (Số thẻ CCCD/CMND/sổ hộ khẩu) để hỗ trợ vay vốn/ thanh lý hồ sơ cho vay/ giới thiệu các gói vay hay tiền gửi hấp dẫn. Kẻ gian giả mạo văn bản chứng minh nạn nhân đã được giải ngân khoản vay và yêu cầu họ nộp trước một khoản phí. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng chặn toàn bộ liên lạc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hoặc ở thủ đoạn khác, kẻ xấu tiếp cận, mời gọi nạn nhân cung cấp hồ sơ để hỗ trợ vay vốn. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, đối tượng thông báo nạn nhân không đủ điều kiện vay vốn do có nợ xấu, yêu cầu đóng trước một khoản tiền để xóa nợ xấu. Sau khi nhận tiền, kẻ gian trốn mất.

Có trường hợp kẻ lừa đảo chào mời hỗ trợ người dân rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin thẻ, đồng thời thông báo nạn nhân sẽ nhận được 1 mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực tế đây là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng). Nếu nạn nhân cung cấp mã số này, đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…

Một trường hợp xảy ra phổ biến hiện nay là kẻ gian gửi tin nhắn mạo danh ngân hàng có chứa đường dẫn giả mạo với nội dung thông báo nâng cấp hệ thống/trúng thưởng/xác thực tài khoản đang tiêu dùng ở nước ngoài/ tài khoản đăng nhập ở vùng bất thường/tài khoản tạm ngừng dịch vụ,… yêu cầu người dùng truy cập vào các website/đường link giả và làm theo các yêu cầu. Nếu người dân truy cập đường dẫn, cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ chiếm đoạt tiền từ tài khoản nạn nhân.

Làm gì để tránh bị mất tiền?

Để tránh mất tiền bởi các thủ đoạn lừa đảo, ngân hàng khuyên người dân hết sức cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email yêu cầu truy cập đường link trang web, hoặc đòi đăng nhập, cung cấp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân.

Khách hàng cần nhận diện chính xác website và trang Facebook chính thức của ngân hàng và ví điện tử đang dùng để tránh bị các trang giả mạo lừa đảo.

Khi nhận được yêu cầu chuyền tiền từ người thân hay bạn bè, cần có phương pháp xác thực đáng tin và chính xác để khẳng định chính người đó đang cần vay, mượn.

Tiếp đến, cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, các ví điện tử và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này.

Người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…, bao gồm: số CMND, CCCD, hộ khẩu, thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu); thông tin xác thực giao dịch (các loại tin nhắn OTP/Smart OTP); thông tin về tài khoản ví liên kết (tên đăng nhập/mật khẩu) để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.

Trong một số trường hợp, người dùng điện thoại di động có thể cài đặt một số phần mềm bảo mật uy tín để bảo vệ các thông tin nhạy cảm.

 

So sánh tài chính
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0