Ngân hàng nhà nước ấn định room tín dụng hàng năm tạo thế chủ động trong kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ hạn mức tín dụng chưa có tác dụng ngăn chặn nguy cơ rủi ro của nền kinh tế.
Giới hạn tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) năm 2022 là 14% nhưng đây không phải là con số cứng mà có thể điều hành linh hoạt. Đây là công cụ quan trọng hướng tới đa mục tiêu, bảo đảm tăng trưởng nhưng không “quá nóng” gây sức ép lạm phát, đồng thời, kiểm soát chặt hơn chất lượng các khoản vay.
Room tín dụng – Công cụ hành chính cần thiết để điều chỉnh thị trường
Thời gian qua, có một số ý kiến cho rằng, việc đặt ra room tín dụng mang phong cách “bao cấp”, công cụ hành chính, không còn phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại, đồng thời, băn khoăn về việc chưa có tiêu chí rõ ràng, có thể gây hiện tượng “xin-cho”, hay tiêu cực. Phân tích về vấn đề này, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, công cụ room tín dụng áp dụng từ năm 2011 đến nay với nhiều mục tiêu.
“Không phải công cụ hành chính là không tốt, hành chính hay thị trường thì quan trọng nhất vẫn là hiệu quả tổng thể cuối cùng”, ông Đào Minh Tú nhất mạnh.
Lãnh đạo NHNN chia sẻ thêm, room tín dụng không hề cứng nhắc và hoàn toàn minh bạch. Nội dung về room tín dụng được ghi rất rõ ngay trong Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phân tích thêm: Nếu không có ảnh hưởng của dịch COVID-19, hay cơ hội phục hồi kinh tế, nhu cầu vốn doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng nhanh, thì vấn đề room tín dụng không nóng như hiện nay. Cụ thể, nếu không có dịch, không gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, thì lượng vốn đã đủ để quay vòng, trả nợ. Nhưng do các nguyên nhân trên cộng với tình hình kinh tế phục hồi nên lượng vốn cần bổ sung tăng lên khá mạnh.
Như vậy, con số 14% chỉ tiêu có tính chất định hướng, không phải con số cứng, có thể điều chỉnh cao hoặc thấp hơn.
Bên cạnh đó, NHNN áp dụng công cụ room tín dụng cùng với các yêu cầu về an toàn vốn…Ngân hàng nào chất lượng tốt hơn, tín dụng lành mạnh hơn, tham gia nhiều hơn vào các mục tiêu chung của hệ thống và chủ trương của Chính phủ đương nhiên sẽ được ưu tiên nới room tín dụng hơn.
Có nên duy trì cơ chế hạn mức tín dụng?
Có thể nói ngay hạn mức tín dụng là công cụ chính sách tiền tệ phi xu hướng tự do hóa tài chính và hội nhập hóa nền kinh tế. Ngày nay ngân hàng trung ương của các quốc gia chủ yếu điều hành chính sách tiền tệ thông qua các công cụ gián tiếp như lãi suất tái cấp vốn, công cụ thị trường mở. Các công cụ điều hành trực tiếp như dự trữ bắt buộc, hạn mức tín dụng chỉ được sử dụng khi những công cụ gián tiếp không còn phát huy tác dụng.
Đối với Việt Nam, hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước liên tục sử dụng từ năm 2011 đến nay. Quá trình điều hành cơ chế hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã thu được những kết quả nhất định trong đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, thực tế việc xác định room tín dụng tổng thể và phân bổ chỉ tiêu cho từng ngân hàng hàng năm, cũng như kiểm soát đạt hiệu quả như mong muốn của Ngân hàng nhà nước còn nhiều vấn đề đặt ra, nếu không muốn nói bộc lộ không ít bất cập.
Thứ nhất, việc xác định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm chủ yếu phải dựa vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm. Tuy nhiên, thực tế việc xác định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm của NHNN trên cơ sở tăng trưởng GDP hàng năm rất khó hiểu. Chẳng hạn, từ năm 2018 đến 2021 tỷ lệ tăng trưởng GDP lần lượt là 7,08%, 7,02%, 2,91%, 2,58%, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tương ứng là 13,89%, 13,85%, 12,17%, 13,47%. Bằng chứng này cho thấy tăng trưởng tín dụng năm 2020 và năm 2021 không dựa vào tốc độ tăng trưởng GDP.
Thứ hai, NHNN chưa công khai được chỉ tiêu chính thức và cách tính toán từng chỉ tiêu như thế nào trong việc xác định room tín dụng cụ thể. Thông tư 52/2018/TT-NHNN về phân loại ngân hàng, nhưng NHNN chưa dựa vào phân loại này để phân bổ hạn mức tín dụng. Hiện NHNN chủ yếu căn cứ tỷ lệ tăng dư nợ tín dụng vào thời điểm cuối năm trước để dự kiến hạn mức TD năm nay cho từng ngân hàng. Nên hiểu, dư nợ tín dụng năm trước tăng cao không đồng nghĩa chất lượng tín dụng năm nay tốt hơn, mà thực tế tiềm ẩn rủi ro cao hơn. Đây là bất hợp lý, tại sao ngân hàng có tiềm ẩn rủi ro cao hơn lại được giao hạn mức tín dụng cao hơn?
Thứ ba, do phân bổ thiếu căn cứ và nhất quán chính sách nên rất dễ xẩy ra tình trạng nhóm ngân hàng này room tín dụng quá thiếu, trong khi nhóm ngân hàng khác lại dư thừa room. Tình trạng hàng loạt ngân hàng lên tiếng xin bổ sung room tín dụng trong cuộc hội nghị trực tuyến của NHNN vào ngày 27/5 vừa rồi là minh chứng. Đến thời hiện tại nhiều ngân hàng cổ phần lớn niêm yết như MB, VCB, ACB,… room tín dụng được NHNN giao đầu năm đã gần như hết, trong khi đây là những ngân hàng được giao chỉ tiêu dư nợ theo chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% lại lớn nhất.
Thứ tư, hạn mức tín dụng là công cụ điều hành chính sách mang tính hành chính, trong thực tiễn đã tạo ra cơ chế xin – cho, khó đảm bảo minh bạch, công bằng. Dù chưa có phản ứng “ra mặt” với NHNN, nhưng thực tế khi NHNN thông báo room cho ngân hàng nào đó rất cao, đương nhiên ngân hàng được chia room thấp hơn không phải đã bằng lòng. Câu chuyện thừa thiếu room, hoán chuyển room giữa các ngân hàng thông qua nghiệp vụ bán và mua lại tài sản tài chính (repo), việc ngân hàng tìm cách cho đẹp con số làm căn cứ xin room nhiều hơn, tất yếu sẽ xẩy ra.
Thứ năm, quản lý hạn mức TD không đơn giản là giao room tín dụng và yêu cầu các ngân hàng tuân thủ room, mà quan trọng là NHNN phải quản lý được chất lượng tín dụng, khả năng thanh khoản, tín dụng phải đi đúng hướng và đúng mục đích, tức quản lý an toàn hoạt động ngân hàng. Viêc quản lý này đã hội đủ trong quy định các tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 22/2019/TT-NHNN. Các giới hạn an toàn đó đã tiệm cận chuẩn mực thông lệ quốc tế.
Hạn mức tín dụng sao cho hiệu quả, minh bạch?
Bối cảnh hiện nay, áp lực lạm phát của kinh tế thế giới rất cao, do nền kinh tế Việt nam có độ mở cao, kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 190% GDP. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu, đặc biệt giá dầu tăng cao, tác động lớn đến lạm phát.
Thống kê 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng ngân hàng thương mại vượt xa khả năng cân đối vốn đều trên 20%.
“Nếu để ngân hàng thương mại tăng tốc độ lớn như vậy, tiền đổ vào nền kinh tế nhiều thì áp lực lạm phát lớn. Nếu các tổ chức tín dụng chạy đua tăng lãi suất huy động để có thêm vốn cho vay, lãi suất huy động tăng, đương nhiên khiến lãi suất cho vay tăng, rủi ro nợ xấu gia tăng, chưa nói đến vấn đề thanh khoản”, ông Phạm Chí Quang phân tích.