Nữ Chủ tịch HĐQT mới sinh năm 1985 của Kienlongbank

LưuĐã lưuRemoved 0
Like0
Like0
Kienlongbank vừa có nữ Chủ tịch Hội đồng Quản trị mới là bà Trần Thị Thu Hằng. Bà Trần Thị Thu Hằng (sinh năm 1985), tân Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2021 – 2025, là nữ chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam hiện nay.

Bà Trần Thị Thu Hằng-Nữ Chủ tịch HĐQT sinh năm 1985 của Kienlongbank

Bà Trần Thị Thu Hằng-Nữ Chủ tịch HĐQT sinh năm 1985 của Kienlongbank

Mới đây, các thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Kiên Long đã thống nhất bầu bà Trần Thị Thu Hằng (sinh năm 1985), Phó Chủ tịch HĐQT, giữ chức danh Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2021 – 2025, thay thế cho Chủ tịch HĐQT cũ của Kienlongbank là ông Lê Hồng Phương. Tân chủ tịch 36 tuổi, bà Hằng sẽ là nữ chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam hiện nay.

Một nội dung được thống nhất trong cuộc họp là bà Trần Thị Thu Hằng được bầu làm Chủ tịch HĐQT và tạm thời đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách hoạt động của HĐQT Kienlongbank trong thời gian hoàn tất các thủ tục liên quan (từ 3/5 đến hết ngày 25/5/2021).

Trước khi bà Trần Thị Thu Hằng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Kienlongbank thì HĐQT ngân hàng này từng định miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của bà này và 1 thành viên khác. Ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Sunshine Group và 1 thành viên khác dự kiến được bầu bổ sung.

Theo bản cung cấp thông tin, bà Trần Thị Thu Hằng sinh tại Thái Nguyên, tốt nghiệp Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện sinh sống tại Hà Nội. Trước khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Kienlongbank, bà Hằng là Thành viên HĐQT ngân hàng này. Bà Hằng còn là Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần tập đoàn Sunshine (Sunshine Group), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần KS Group.

Bà Hằng được bầu làm Thành viên HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022 hồi tháng 1/2021. Trước khi về Sunshine Group vào tháng 3/2019, bà Hằng có hơn 10 năm làm việc tại MB, LienVietPostBank, MSB.

Tính đến tháng 1/2021, theo bản công bố thông tin vào đầu năm 2021, bà Hằng cho biết sở hữu 15,36 triệu cổ phiếu KLB, tương đương 4,75% vốn điều lệ của ngân hàng. Bên cạnh đó, bà còn nắm giữ 14,58 triệu cổ phần, tương đương 33% vốn của CTCP KS Group.

Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần KS Group có trụ sở tại tầng 12, tòa nhà Sunshine Center, số 16 Phạm Hùng, Hà Nội. Công ty hoạt động từ ngày 25/11/2020 trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê…

Như vậy, “người Sunshine” đã chính thức đặt chân vào HĐQT Kienlongbank trên cương vị cao nhất trong HĐQT. Động thái này vừa trái, vừa không trái với đồn đoán trên thị trường trước đó.

Trước đó, ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Sunshine Group, là 1 trong 2 ứng viên được đề cử tham gia HĐQT Kienlongbank nhiệm kỳ 2018-2022. Thông tin được công bố công khai trong tài liệu cập nhật phục vụ phiên họp đại hội cổ đông thường niên 2021 của Kienlongbank. Cùng ông Đỗ Anh Tuấn, một thành viên khác có tên trong danh sách đề cử là bà Võ Thị Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Sakae Holdings. Việc đề xuất bổ sung 2 thành viên này diễn ra do HĐQT ngân hàng dự tính trình miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT với 2 người là ông Lê Khắc Gia Bảo và bà Trần Thị Thu Hằng.

Còn thực tế, bà Trần Thị Thu Hằng vẫn được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Kienlongbank, tại cuộc họp thành viên HĐQT. 2 thành viên dự kiến được bầu bổ sung là ông Đỗ Anh Tuấn và bà Võ Thị Tuấn Anh có được bầu bổ sung vào HĐQT hay không? Ai trong số 2 thành viên này rút khỏi danh sách ứng viên bầu bổ sung để bà Hằng vẫn “ngồi” tại HĐQT hay tất cả cùng được bầu vào HĐQT? Tất cả vẫn là câu hỏi.

Một nguồn tin từ HĐQT Kienlongbank cho biết, ông Lê Hồng Phương, cựu Chủ tịch HĐQT Kienlongbank rút khỏi chức vụ Chủ tịch HĐQT nhưng vẫn là thành viên HĐQT. Về số lượng thành viên trong HĐQT Kienlongbank hiện tại, nguồn tin này cho hay chưa có cập nhật. Trước câu hỏi về việc tài liệu họp đại hội cổ đông có nhắc đến việc bầu bổ sung 2 người mới là ông Đỗ Anh Tuấn và bà Võ Thị Tuấn Anh vào HĐQT, miễn nhiệm 2 thành viên là bà Trần Thị Thu Hằng và ông Lê Khắc Gia Bảo thì hiện nay cơ cấu HĐQT của Kienlongbank ra sao, vị này từ chối cung cấp.

Đến trưa 4/5, website của Kienlongbank vẫn giới thiệu cơ cấu HĐQT ngân hàng gồm ông Lê Hồng Phương (Chủ tịch HĐQT), các Phó chủ tịch có ông Mai Hữu Tín, ông Phạm Trần Duy Huyền, bà Trần Thị Thu Hằng; các Thành viên HĐQT có bà Nguyễn Thụy Quỳnh Phương, ông Lê Khắc Gia Bảo, bà Trần Tuấn Anh; Thành viên HĐQT độc lập là ông Trần Văn Trọng. Ông Lê Hồng Phương không sở hữu cổ phiếu nào tại Kienlongbank.

Doanh thu của Kienlongbank trong quý 1 gần đây

Theo báo cáo tài chính quý 1 được ngân hàng công bố, trong 3 tháng đầu năm Kienlongbank ghi nhận tổng tài sản hợp nhất tăng hơn 8,1%, đạt 61.942 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động đạt 55.933 tỷ đồng (tăng 7,42% so với năm 2020); tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 35.747 tỷ đồng (tăng 2,97% so với năm 2020).

Doanh thu của Kienlongbank trong quý 1 gần đây

Tính đến ngày 31/3/2021, tỷ lệ nợ xấu của Kienlongbank là 1,19%, giảm 3,22% so với tỷ lệ nợ xấu ngày 31/12/2020. Lãi phải thu là 509 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ lãi phải thu/tổng tài sản là 0,82% và tỷ lệ lãi phải thu/tổng dư nợ là 1,42%.

Các chỉ tiêu này giúp lợi nhuận trước thuế riêng quý I của ngân hàng đạt tới 703 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm liền trước. Kết quả lợi nhuận này cũng tương đương với việc Kienlongbank đã hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021 dù mới chỉ đi qua quý kinh doanh đầu tiên.

Theo lãnh đạo ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng tăng trưởng cao là do trong quý 1 năm 2021 Ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) theo Phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tại đại hội đồng cổ đông ngân hàng mới được tổ chức, ban lãnh đạo Kienlongbank đặt tham vọng đưa lợi nhuận trước thuế của ngân hàng lên mức 1.000 tỷ, tăng hơn 532% so với số thu về năm 2020 (lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng là 158,2 tỷ đồng).

Cũng theo kế hoạch, đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Kienlongbank sẽ đạt 66.800 tỷ đồng, tăng 17%. Trong đó, chỉ tiêu huy động vốn dự kiến tăng 14%, đạt 59.400 tỷ đồng và dư nợ tín dụng tăng 38%, đạt 44.600 tỷ.

HĐQT Kienlongbank sẽ có thu nhập thế nào?

Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của Kienlongbank vừa công bố, năm 2020 thù lao Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt là 10,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm qua Kienlongbank chỉ chi hơn 9,2 tỷ đồng thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Với 7 thành viên Hội đồng quản trị và 3 thành viên Ban kiểm soát, thù lao bình quân của mỗi thành viên Hội đồng quản trị Kienlongbank ước khoảng 920 triệu đồng/năm.

Năm 2021, cổ đông thông qua phương án thù lao Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát năm 2021 là 16,8 tỷ đồng, tăng tới 80% so với năm 2020. Bình quân 1,4 tỷ đồng/tháng.

Số thành viên dự kiến 11 người (8 thành viên Hội đồng quản trị và 3 thành viên Ban kiểm soát), bình quân mỗi thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát sẽ có thù lao gần 1,53 tỷ đồng/người/năm.

Ở thời điểm hiện tại, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mới chỉ có tổng cộng 10 thành viên, nếu không thay đổi bình quân mỗi thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, sẽ có thù lao gần 1,68 tỷ đồng/năm.

Trên thực tế, theo quy luật thông thường, mức thù lao bình quân của Hội đồng quản trị sẽ cao hơn nhiều so với thành viên Ban kiểm soát.

Đơn cử như năm 2020, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, tổng thù lao của thành viên Hội đồng quản trị năm 2020 là gần 7,3 tỷ đồng, bình quân hơn 1,04 tỷ đồng/người/năm. Trong khi đó, các thành viên Ban kiểm soát tại Kienlongbank, thù lao bình quân chỉ 653 triệu đồng/người/năm.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Kienlongbank đề xuất thưởng vượt kế hoạch lợi nhuận cho Hội đồng quản trị (bao gồm cả Chủ tịch HĐQT) và BKS năm 2021 là 5% x (Lợi nhuận trước thuế thực tế – Lợi nhuận trước thuế kế hoạch).

Năm 2021, Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ sau 3 tháng đầu năm nhà băng này đã thực hiện được hơn 70% kế hoạch, mang về cho ngân hàng xấp xỉ 703 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Như vậy, việc hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm nay không phải là mục tiêu khó khăn đối với Kienlongbank, nhiều khả năng nhà băng này sẽ vượt mục tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tại kế hoạch đặt ra trong năm 2021.

×

    ---------------------------------------------------------

    Chọn nhu cầu của bạn ở đây:

    ---------------------------------------------------------

    Nơi ở hiện tại:

    Câu hỏi bảo mật :

    Liên hệ tư vấn
    ×

      Báo lỗi:

      Câu hỏi bảo mật :

      Report

      So sánh

      Onlinebank.com.vn là website so sánh tài chính như các khoản vay, bảo hiểm, thẻ tín dụng ... giúp khách hàng lựa chọn được sản phẩm tốt, phù hợp nhu cầu của mình dựa trên các tiêu chí khác nhau của từng sản phẩm.
      Follow Us

      Liên kết: Hayhomes.com | CardTOT | Tin tức BĐS | Mua sắm Hayhomes

      Onlinebank
      Logo
      So sánh
      • Total (0)
      So sánh
      0