Chỉ trong 2 ngày qua, liên tiếp các thông tin về điều chỉnh lãi suất huy động được nhiều ngân hàng công bố ngay sau quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Thêm ngân hàng tăng lãi suất huy động
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tăng mạnh lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn. Khách hàng gửi tiền tại VPBank kỳ hạn từ 2 đến 5 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất kịch trần là 5%/năm với khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, tăng đến 1%/năm so với trước đó. Còn với khoản tiền gửi từ 3 đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất là 4,9%/năm; gửi từ 300 triệu đến dưới 3 tỷ đồng, lãi suất 4,8%/năm.
Khách hàng giao dịch tại VPBank Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại VPBank cũng tăng 0,5 – 0,6%/năm so với trước, dao động từ 6,4-7,2%/năm tùy theo giá trị khoản gửi.
Đáng chú ý, lãi suất cao nhất được VPBank niêm yết là 7,7%/năm dành cho khách hàng gửi từ 50 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 36 tháng. Mức lãi suất này đã tăng 0,7%/năm so với trước đó và trở thành mức lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống ngân hàng đối với các khoản tiền gửi dưới 100 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã có một thời gian dài niêm yết lãi suất huy động cao nhất lên tới 7,55%/năm, dẫn đầu hệ thống. Trong lần điều chỉnh này, SCB vẫn giữ nguyên mức cao nhất là 7,55%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, gửi tiền trực tuyến và chỉ tăng lãi suất với các kỳ hạn ngắn.
Tương tự tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng cũng được điều chỉnh tăng lên mức 5%/năm. Lãi suất cao nhất tại HDBank hiện là 7,65%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 13 tháng và gửi từ 300 tỷ đồng trở lên.
Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), lãi suất huy động vốn bằng VND các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng tăng lên mức tối đa 0,5%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tuy không tăng kịch trần nhưng cũng thêm đến 0,8-0,9%/năm so với trước đó, lên dao động từ 4,38-4,9%/năm.
Đối với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất tiền gửi tại SHB tăng thêm 0,4-0,5%/năm lên dao động từ 5,73-7,35%/năm. SHB đang niêm yết lãi suất cao nhất là 8,1%/năm cho chứng chỉ tiền gửi Phát lộc kỳ hạn 8 năm và 7,9%/năm cho sản phẩm này kỳ hạn 6 năm.
Trước đó, nhiều ngân hàng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank)… cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhiều kỳ hạn và đặc biệt tăng mạnh đối với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Trong khi đó, các ngân hàng thuộc nhóm Big 4, gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vẫn chưa có động thái mới. Hiện, mức lãi suất cao nhất được các ngân hàng này niêm yết từ 5,6-5,8%/năm với tiền gửi online và 5,6%/năm với tiền gửi tại quầy. Lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng ở mức 3,1-3,4%/năm.
Theo biểu lãi suất ngân hàng mới nhất, lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống đang là 8,8%/năm tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) với khoản gửi kỳ hạn 13 tháng. Tiếp đó là 7,85%/năm tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Trước đó, chiều 22/9, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm trước đây lên thành 0,5%/năm; có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm.
Quyết định số 1607/QĐ-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/9/2022. Đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, được thực hiện cho đến hết thời hạn; trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định này.
Theo dự báo của Tập đoàn Maybank Investment Banking (Maybank IBG), Ngân hàng Nhà nước sẽ không điều chỉnh lãi suất trong thời gian từ nay đến cuối năm 2022 sau động thái trên. Đồng thời, việc tăng mạnh lãi suất điều hành vừa qua sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sự phục hồi kinh tế, Maybank IBG giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP lần lượt là 8% cho năm 2022 và 6% cho năm 2023.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, việc các ngân hàng tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay là điều dễ đoán.
“Trong năm 2021, do lãi suất tiết kiệm thấp, nên dòng tiền đã chảy từ ngân hàng sang các kênh đầu tư khác, như bất động sản và trái phiếu. Điều này đã tạo ra sức ép rất lớn cho các ngân hàng, khi huy động tiền gửi của người dân”, ông Thịnh nói.
“Đương nhiên, khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thì sớm hay muộn cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Đó là chưa kể, vừa qua, hàng loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, nếu các ngân hàng trong nước không tăng theo, đồng Việt Nam sẽ rất dễ bị mất giá, và điều này không tốt cho nền kinh tế”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, khi lãi suất cho vay tăng, những người đã vay tiền để mua nhà, mua xe trước đó, đương nhiên sẽ phải “cõng” thêm mức lãi suất mới. “Lãi suất cho vay tăng là điều đã được dự báo từ trước”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Lo lắng khi lãi suất mua nhà tăng
Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế. Trước sự điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, bình quân lãi suất cho vay trong giai đoạn cuối năm 2021 chỉ trong khoảng trên dưới 5%/năm, đây được đánh giá là mức lãi suất thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Theo đó, nhiều người tranh thủ vay tiền để mua nhà. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, các dự báo cho thấy ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới, điều này khiến những người đã sử dụng đòn bẩy tài chính mua nhà như “ngồi trên đống lửa”.
Chị Nguyễn Yến (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, đầu năm 2021, thấy lãi suất vay mua nhà rẻ chỉ khoảng hơn 5%/năm nên gia đình chị đã quyết định vay để mua một căn hộ gần 2 tỷ đồng tại quận Nam Từ Liêm.
“Gia đình tôi vay đến 60% giá trị căn hộ, khoảng 1,2 tỷ đồng với thời hạn 10 năm. Thực tế lúc mua thì thấy lãi suất chỉ khoảng 5%/năm, nhưng đến khi mua chúng tôi lại được ưu đãi ân hạn đến một năm rưỡi, hết thời gian này lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Hiện nay, đã sắp hết thời gian ân hạn, gia đình tôi sẽ bắt đầu đóng tiền”, chị Yến nói.
Theo chị Yến tính, nếu lãi suất thả nổi thời gian tới tăng cao thì số tiền gốc và lãi của gia đình chị phải chi trả cũng tăng nhiều. “Thời gian đầu có thể lãi suất sẽ chưa tăng nhiều cũng không quá lo lắng, nhưng nếu về lâu lãi suất tiếp tục tăng cao hơn thì sẽ vượt khả năng tài chính của vợ chồng tôi”, chị Yến lo lắng.
Theo Thanh Phong, Báo Tin Tức
>>> Xem thêm
Tăng lãi suất sẽ đạt những mục tiêu gì? – Onlinebank
Cập nhật mới nhất bảng lãi suất ngân hàng cho vay mua ô tô trong tháng 5/2022 – Onlinebank