Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu và xây dựng chiến lược/lộ trình của ngành ngân hàng hướng tới trung hòa phát thải. Tính đến hết năm 2021, tổng dư nợ tín dụng xanh ước đạt trên 451.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của nền kinh tế. AFD mong muốn phát triển tài chính xanh tại Việt Nam và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Tại buổi làm việc với ông Philippe Orliange, Giám đốc Điều hành Toàn cầu của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và các chuyên gia cao cấp của AFD tại Việt Nam mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn định hướng xanh hóa bảng cân đối của các ngân hàng thương mại. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước luôn nỗ lực đưa ra giải pháp tập trung vào việc nâng cao nhận thức và hành động của cơ quan quản lý thông qua các hỗ trợ tư vấn chính sách về nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
Nhờ vậy, về dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng, tính đến ngày 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng xanh ước đạt trên 451.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu và xây dựng chiến lược/lộ trình của ngành ngân hàng hướng tới trung hòa phát thải, gồm một số nội dung như: Thanh tra, giám sát; Xây dựng các kịch bản và mô hình đánh giá sức chịu đựng; Chính sách tiền tệ; Tín dụng…
Riêng với ngành ngân hàng, Phó Thống đốc đề nghị AFD huy động các nguồn lực vốn dài hạn, chi phí thấp để tài trợ cho các dự án xanh của ngành ngân hàng thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại; hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tham gia các tổ chức tập hợp các ngân hàng theo hướng “xanh”; cung cấp công cụ cho vay không bảo lãnh Chính phủ cho các ngân hàng tại Việt Nam; phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế nhằm chia sẻ kinh nghiệm/ thực tiễn quốc tế về tài chính xanh và khí hậu; khuyến khích phát triển hợp tác của AFD với các ngân hàng thương mại nhà nước nhằm hỗ trợ phát triển tài chính xanh. Mặt khác, Phó Thống đốc đề xuất AFD tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong phát triển bền vững, đặc biệt thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 thông qua các công cụ đa dạng: các khoản vay ODA, các khoản vay trực tiếp không cần bảo lãnh Chính phủ, các khoản viện trợ không hoàn lại.
Về phía AFD, ông Orliange cho biết, cơ quan này sẵn sàng thiết lập quan hệ đối tác với các ngân hàng thương mại cổ phần khác (hiện AFD đang tập trung vào các ngân hàng thương mại nhà nước) có chung chiến lược phát triển bền vững. AFD sẽ tiến hành một nghiên cứu thị trường vào năm 2022 để đánh giá khả năng cung cấp hạn mức tín dụng đa lĩnh vực cho một số ngân hàng ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực ngân hàng, AFD mong muốn phát triển tài chính xanh tại Việt Nam và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26; cung cấp các khoản vay ưu đãi không cần bảo lãnh Chính phủ và các khoản viện trợ không hoàn lại của AFD, EU, Quỹ Khí hậu Xanh Toàn cầu cho Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại; đồng thời hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng các công cụ tài chính xanh mới.
Thời gian tới, AFD mong muốn khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia vào một số mạng lưới, tổ chức như Câu lạc bộ Tài chính Phát triển Quốc tế (IDFC), Câu lạc bộ các ngân hàng xanh tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm về Tài chính xanh; giới thiệu công cụ cho vay không cần bảo lãnh chính phủ của AFD tại các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Ngoài ra, AFD cũng đề xuất hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước tham gia Mạng lưới giám sát và ngân hàng trung ương để xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS), qua đó để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia về tài chính xanh, tín dụng xanh.
>>>> Xem thêm: