Tỷ giá ngân hàng nhà nước hay còn gọi là Tỷ giá trung tâm được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Vậy cách tính tỷ giá được thực hiện như thế nào, cùng tìm hiểu những thông tin dưới đây nhé.
1. Cách tính tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
Theo cách điều hành tỷ giá mới được thực hiện dựa trên phương thức sau. Tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng chốt vào giờ đóng cửa phiên ngày hôm trước. Trên thị trường quốc tế, lấy giá từ 7h sáng của ngày công bố và chốt gần nhất 7h.
NHNN sẽ lấy giá thế giới giao dịch gần nhất của lúc 7h ngày công bố. Vì trên thế giới, thị trường tiền tệ không giống thị trường chứng khoán là đóng cửa xong nghỉ. Thực tế, khi ở thị trường châu Âu, giá EUR đóng cửa lúc khoảng 12h đêm của Việt Nam. Còn thị trường thị trường tài chính Mỹ ngừng giao dịch vào lúc 2h sáng theo giờ Việt Nam. Vì vậy, phải lấy bình quân gia quyền để tính. Nếu chỉ lấy giá lúc cuối giờ sẽ dẫn đến làm giá.
2. Sử dụng 8 đồng tiền thế giới để tính tỷ giá trung tâm
Cách tính tỷ giá trung tâm được thực hiện dựa trên 3 trụ cột. Thứ nhất là diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Thứ hai là diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam. Cuối cùng là các cân đối kinh tế vĩ mô.
Với cách tính như vậy vừa phản ánh biến động trong nước và quốc tế.
Có 8 đồng tiền thế giới được đưa tham chiếu để tính tỷ giá trung tâm là: USD, EUR, NDT, Yên Nhật, Đô la Singapore, Won (Hàn Quốc), đô la Đài Loan, Bath (Thái Lan).
Đây là những đồng tiền có tỷ trọng đầu tư lớn nhất đối với Việt Nam. Các đồng tiền khác của các nước còn lại tác động không nhiều nếu tính tỷ giá.
3. Biên độ dao động +/-3% của tỷ giá ngân hàng nhà nước
Trên cơ sở tỷ giá trung tâm công bố hàng ngày trên trang thông tin điện tử NHNN thì các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dựa trên cơ sở tỷ giá này để quyết định tỷ giá giao dịch với khách hàng của mình trong biên độ +/-3%
Chế độ tỷ giá của Việt Nam đã được xác định ở Pháp lệnh ngoại hối. Theo đó, tỷ giá được thực hiện theo chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý. Điều này phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ, chính sách kinh tế vĩ mô.
Mục tiêu chính sách tiền tệ là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Phương châm là điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Đồng thời, nâng cao vị thế VND, phù hợp chính sách tiền tệ và kinh tế vĩ mô.
Cách thức tỷ giá này phối hợp với các công cụ bán kỳ hạn sẽ thúc đẩy, khuyến khích các TCTD, doanh nghiệp phát triển thị trường ngoại hối thông qua công cụ phái sinh nhiều hơn.
4. Cách thức giao dịch với NHTM
NHNN giao dịch với NHTM theo hợp đồng phái sinh.
Nếu NHTM muốn mua ngoại tệ, NHNN sẽ bán một hợp đồng phái sinh với giá cao hơn nhất định. Thông qua hợp đồng này, NHNN gửi thông điệp về giới hạn biến động tỷ giá tới NHTM.
Các NHTM chủ động thực hiện giao dịch với đối tác và được hủy ngang giữa chừng để chủ động mua ngoại tệ trên thị trường khi giá trên thị trường tốt hơn giá bán của NHNN. Tuy nhiên, NHNN đảm bảo cung cấp đủ ngoại tệ, là người bán cuối cùng cho NHTM.