Tăng cường chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng với điện toán đám mây lai

(điện toán đám mây) Ngày nay, cùng với sự phát triển của các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data),điện toán đám mây như một cuộc cách mạng và đặc biệt ngày càng trở nên quan trọng đối với các ngành nghề nói chung và ngành tài chính, ngân hàng nói riêng vì các tính năng ưu việt của nó. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, công nghệ điện toán đám mây lai đang là lựa chọn ưu việt cho ngành tài chính, ngân hàng trong cuộc đua chuyển đổi số, với lợi thế giảm gánh nặng đầu tư vào nguồn lực công nghệ thông tin (CNTT), tăng cường năng lực xử lý dữ liệu, nâng cao hiệu suất kinh doanh và trải nghiệm khách hàng.

Điện toán đám mây với quá trình chuyển đổi số

Hiện nay, môi trường số hóa của thế giới đang ngày càng phát triển, dẫn đến hành vi của khách hàng đang thay đổi, các đơn vị, tổ chức cần phải phát triển và thích ứng với môi trường kỹ thuật số, việc khai thác lợi thế của điện toán đám mây để thiết lập các khuôn khổ chuyển đổi số mạnh mẽ, cho phép đổi mới bằng cách cung cấp một bộ giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface – API) tương thích cho các nhà phát triển.
Chuyển đổi số rất quan trọng để tạo ra sự khác biệt trong thị trường cạnh tranh, nâng cao trải nghiệm khách hàng và khả năng sử dụng, đổi mới của các tổ chức, tăng hiệu quả kinh doanh. Để có thể cạnh tranh và mang lại giá trị gia tăng, các đơn vị, tổ chức cần chấp nhận quá trình chuyển đổi số để nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT cũ của họ thành  cơ sở hạ tầng mới. Ngoài việc áp dụng các giải pháp đám mây, các đơn vị, tổ chức cần tích hợp các công nghệ mới giúp tăng tốc, tự động hóa và cải thiện hoạt động kinh doanh như AI, học máy (Learning Machine – LM), Big Data, Internet of Things (IoT). Những công nghệ này yêu cầu sức mạnh tính toán và không gian lưu trữ lớn, điện toán đám mây ra đời như một giải pháp để tích hợp các công nghệ này.
Với điện toán đám mây, quá trình xử lý, phân tích, bảo mật, lưu trữ, quản lý dữ liệu bằng cách khai thác các máy chủ dựa trên Internet. Dữ liệu không được lưu trữ trên thiết bị vật lý mà trên đám mây, tính ưu việt của việc lưu trữ này giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng quản lý điều hành tốt hơn, hợp lý hóa quy trình, nâng cao năng suất, tối ưu hóa chi phí và nâng cao trải nghiệm kỹ thuật số cho khách hàng.
Điện toán đám mây cho phép các tổ chức tài chính, ngân hàng tiết kiệm chi phí bằng cách không phải đầu tư vào việc thiết lập và duy trì tài nguyên CNTT nội bộ. Các giải pháp đám mây có thể thích ứng và được điều chỉnh theo yêu cầu của các đơn vị, tổ chức, cung cấp một mô hình khung có thể phát triển, mở rộng, đơn vị, tổ chức đó có thể chọn giải pháp phù hợp hơn mà không cần tốn kém trong việc thiết lập và duy trì cơ sở hạ tầng CNTT. Trước đây, những dữ liệu hoặc thông tin cá nhân được lưu trữ đều có thể bị vi phạm bảo mật như tấn công mạng và các mối đe dọa mạng khác, thay vào đó, dịch vụ lưu trữ đám mây có thể lưu trữ nhiều bản sao lưu dữ liệu trong một hệ thống phân tán. Với cơ sở hạ tầng giải pháp đám mây, các nhóm khác nhau có thể cùng làm việc và có quyền truy cập vào cùng một dữ liệu thậm chí từ xa bằng cách hỗ trợ các công việc hàng ngày và tiết kiệm thời gian.
Điện toán đám mây hiện nay gồm ba loại dịch vụ chính:
– Phần mềm như một dịch vụ (Software as a Service – SaaS): Đây là dịch vụ được các nhà cung cấp mang đến cho người dùng đầu cuối sử dụng dựa trên công nghệ đám mây. Trong dịch vụ này, nhà cung cấp đám mây bên thứ ba lưu trữ các ứng dụng phần mềm và cung cấp chúng theo yêu cầu cho khách hàng. Trên thế giới có các nhà cung cấp lớn như Google Apps, BigCommerce, Hubspot, Dropbox,…
– Cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (Infrastructure as a Service – IaaS): Các nhà cung cấp bên thứ ba cung cấp các công cụ phần mềm và phần cứng, môi trường hoạt động, cơ sở dữ liệu hoặc nền tảng máy tính được hình thành để phát triển các ứng dụng Internet. Ví dụ: Windows Azure, AWS Elastic Beanstalk, Heroku, GCP…
– Nền tảng như một dịch vụ (Platform as a Service – PaaS): Tùy chọn bao gồm nhà cung cấp bên thứ ba cung cấp quyền truy cập vào các tài nguyên máy tính như lưu trữ, không gian trung tâm dữ liệu, bảo mật, mở rộng quy mô, thành phần mạng hoặc máy chủ. Ví dụ như các nhà cung cấp Digital Ocean, Rackspace…

Lợi ích của điện toán đám mây trong ngành tài chính, ngân hàng

Tăng cường chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng với điện toán đám mây lai

 

Khi áp dụng điện toán đám mây trong ngành tài chính, ngân hàng có thể đem lại những lợi ích dưới đây:
– Đảm bảo các quy định về an toàn hệ thống thông tin: Trước đây, phần lớn các tổ chức tài chính, ngân hàng đều lo lắng về vấn đề bảo mật khi đưa dữ liệu lên đám mây. Tuy nhiên, theo khảo sát của Amazon Web Service (AWS) – nhà cung cấp đám mây công cộng lớn nhất thế giới, lý do quan trọng nhất để các tổ chức dịch chuyển dữ liệu lên đám mây là vì họ đã nhận thức được rằng, sử dụng điện toán đám mây an toàn hơn các hệ thống họ tự phát triển bằng nguồn lực của họ.
Khi dữ liệu các tổ chức tài chính, ngân hàng được đặt trên đám mây, họ có toàn quyền quản trị, xử lý và luôn hiểu rõ ràng về dữ liệu của họ. Với việc cung cấp đám mây cho các ngân hàng tại Việt Nam, các nhà cung cấp điện toán đám mây phải đảm bảo tuân thủ theo Luật An ninh mạng và quy định của Ngân hàng Nhà nước.
– Cải thiện quan hệ khách hàng – ngân hàng: Với việc cấp quyền kiểm soát và truy cập tốt hơn vào các nguồn dữ liệu và thông tin trong thời gian thực, điện toán đám mây giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng sẽ có thêm thông tin về thói quen và sở thích của khách hàng, từ đó có thể phục vụ đúng nhu cầu của họ vào đúng thời điểm. Đồng thời, các ngân hàng cũng có thể cung cấp cho khách hàng nhiều lợi ích về hiệu suất sử dụng, thông tin nhanh và cải thiện khả năng truy cập, giúp khách hàng tin tưởng và dễ dàng hơn trong sử dụng các dịch vụ của ngân hàng.
– Giảm chi phí: Theo khảo sát của Công ty Cổ phần tập đoàn IDC, một tổ chức dịch chuyển hệ thống lên đám mây của AWS sẽ tiết kiệm được trung bình 31% chi phí hạ tầng CNTT. Hơn nữa, với mô hình thanh toán Pay-as-you-go (dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu) sẽ giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng giảm thiểu rủi ro và chi phí thử nghiệm với sản phẩm, dịch vụ mới.
Với mô hình Subscription fee (phí đặt mua, phí nhận góp) của các nhà cung cấp phần mềm SaaS, cho phép các tổ chức tài chính, ngân hàng phân bổ chi phí theo hàng năm hoặc thậm chí là hàng tháng, giảm chi phí vận hành và bảo trì hệ thống theo mô hình công nghệ truyền thống. Các tổ chức tài chính, ngân hàng có thể tập trung hoàn toàn vào việc sáng tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng mong muốn của khách hàng nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng trong kinh doanh.
– Tăng tốc độ phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới: Với hệ thống công nghệ truyền thống của hầu hết ngân hàng, thời gian để ra mắt một sản phẩm mới cần từ vài tháng đến hàng năm. Với điện toán đám mây, sản phẩm được đưa ra thị trường một cách nhanh chóng hơn, thời gian tính chỉ bằng vài tuần. Khi cấu hình hoặc chỉnh sửa sản phẩm, quy trình, đội ngũ kinh doanh có thể tự thực hiện mà không phụ thuộc quá nhiều vào đội ngũ chuyên gia công nghệ. Bên cạnh đó, công nghệ của các nhà cung cấp đám mây luôn được cập nhật để thích ứng nhu cầu công việc.
Nền tảng đám mây cũng cung cấp cho các ngân hàng một loạt sản phẩm, dịch vụ của bên thứ ba. Mô hình cắm và chạy (Plug and Play) của điện toán đám mây giúp các ngân hàng dễ dàng sử dụng những cải tiến mới nhất của các công ty tài chính công nghệ (Fintech) và dễ dàng mở rộng sang các thị trường mới.
Tăng cường chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng với điện toán đám mây lai
Theo khảo sát của IDC, AWS đang giúp hàng nghìn tổ chức, bao gồm các ngân hàng như DBS, NAB, Capital One, Standard Charter…, các doanh nghiệp như Coca Cola, GE, BP, Enel, Samsung, NewsCorp, Twenty-First Century Fox… di chuyển thành công phần lớn hệ thống lên đám mây. Các tổ chức này đã tiết kiệm đáng kể chi phí, cũng như nâng cao năng suất lao động lên mức trung bình 62%.
– Nâng cao tính linh hoạt: Hiện nay, công nghệ đang phát triển rất nhanh, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần phải thích ứng và có khả năng mở rộng để luôn tiến về phía trước. Sử dụng dịch vụ đám mây là một trong những cách giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng nâng cấp và đáp ứng nhu cầu thị trường, có thể làm tăng khả năng đổi mới của các ngân hàng bởi sự nhanh chóng, hiệu quả. Bên cạnh đó, điện toán đám mây cũng có thể giúp các tổ chức này phân bổ lại các nguồn lực từ việc quản lý cơ sở hạ tầng CNTT, hướng tới cải tiến dịch vụ và nhanh chóng cho các khách hàng tiềm năng.
– Tăng cường bảo mật: Vấn đề bảo mật của đám mây vẫn luôn là chủ đề tranh luận của các chuyên gia. Tuy nhiên, nếu sử dụng đám mây từ các nhà cung cấp lớn thì dữ liệu của các khách hàng sẽ an toàn hơn một không gian đám mây riêng.
Các ứng dụng ảo hóa cung cấp các tùy chọn như mã hóa dữ liệu, quản lý của tiêu chuẩn bảo mật SSL và thông tin xác thực nâng cao… Điện toán đám mây ưu tiên hàng đầu trong việc bảo vệ dữ liệu của khách hàng. Các mã xác thực OTP, Token cũng là một trong các giải pháp bảo mật được phát triển từ điện toán đám mây. Bên cạnh đó, khả năng mở rộng của đám mây giúp các ngân hàng có thể quét hàng nghìn giao dịch mỗi giây. Điều này cải thiện đáng kể khả năng của các ngân hàng trong việc chống lại tội phạm tài chính như rửa tiền, gian lận tín dụng.
– Giúp phát triển bền vững và minh bạch hơn: Bằng cách sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu, AI, LM, nền tảng IoT, nhận diện khuôn mặt, xử lý ngôn ngữ tự nhiên… điện toán đám mây giúp các bộ phận kinh doanh gắn kết chặt chẽ với nhau hơn thông qua việc chia sẻ dữ liệu, sử dụng phân tích dữ liệu để giải quyết nhanh các vấn đề của khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng… Sự sáng tạo và gắn kết này giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng giữ được những nhân sự chất lượng cao, tăng khả năng nhất quán trong tổ chức, tạo ra môi trường làm việc minh bạch và sáng tạo hơn.

Xu hướng chuyển đổi sang đám mây lai 

Khi nói đến công nghệ mới, một trong những điều đầu tiên các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm đến là chi phí. Với điện toán đám mây, hầu hết các doanh nghiệp đã (hoặc sẽ) đầu tư đám mây nội bộ, do đó, đưa một đám mây bên ngoài vào thì không bắt buộc doanh nghiệp phải chi kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng nội bộ. Thay vào đó, hầu hết các dịch vụ của bên thứ ba thường được trả tiền cho mỗi lần sử dụng và thời hạn sử dụng. Với xu hướng gần đây của việc ảo hóa và hợp nhất trong trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây lai có thể hỗ trợ trong việc giải phóng tài nguyên nội bộ. Cụ thể như việc lưu trữ những dữ liệu, thông tin, ứng dụng quan trọng sẽ được đặt sau tường lửa của hệ thống nội bộ, còn đám mây dịch vụ sẽ là một nền tảng chuyển đổi dự phòng.
Các tổ chức, doanh nghiệp có thể cắt giảm khả năng lưu trữ nội bộ bởi vì có thể di chuyển tất cả các dữ liệu không cần thiết lên đám mây bên ngoài và chỉ lưu trữ tại chỗ dữ liệu quan trọng nhất. Nhưng vì hai đám mây được kết nối, các tổ chức, doanh nghiệp luôn có thể lấy lại dữ liệu tại bất kỳ thời điểm nào và đưa nó trở lại tầm kiểm soát của mình. Đám mây lai (kết hợp đám mây nội bộ và đám mây công cộng) hỗ trợ xử lý ở những thời điểm khi khả năng xử lý của đám mây nội bộ không thể đáp ứng được nhu cầu trong các tổ chức, doanh nghiệp. Các nhà cung cấp dịch vụ có thể đối phó với điều này, bởi vì họ có nhiều khách hàng với tải trọng cao điểm vào những thời điểm khác nhau và tái phân bổ các nguồn lực với chi phí tương đối thấp. Để đảm bảo an toàn dự phòng của các tổ chức, doanh nghiệp thì đám mây lai là một giải pháp hữu hiệu, vừa có thể cắt giảm chi phí đồng thời đảm bảo khắc phục các rủi ro.

Mô hình điện toán đám mây lai

Sự kết hợp của đám mây riêng và đám mây công cộng cho phép các tổ chức đạt được sự tuân thủ, đảm bảo tính tối cao của dữ liệu, tối ưu hóa chi phí và củng cố bảo mật dữ liệu.
Đám mây lai có thể tăng tốc độ phân phối ứng dụng và dịch vụ, theo cách này, các tổ chức có thể kết hợp hệ thống tại chỗ với nhà cung cấp dịch vụ đám mây bên ngoài để có được hiệu quả và hiệu suất hoạt động tốt hơn. Với điện toán đám mây lai, các tổ chức tài chính, ngân hàng có thể đạt được khả năng tương tác cao của các hoạt động và xây dựng cơ sở hạ tầng đáng tin cậy cho các dịch vụ kỹ thuật số.
Với điện toán đám mây lai, mô hình các tổ chức, doanh nghiệp lớn sẽ phù hợp hơn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể vừa ảo hóa và vừa xây dựng đám mây tại chỗ, đám mây nội bộ hoặc đám mây công cộng.
Trong số những công ty sử dụng đám mây lai thì khoảng 75% trong số họ đã được đặt nền tảng bằng một đám mây nội bộ. Đối với những tổ chức, doanh nghiệp đã và đang sử dụng đám mây lai thì giải pháp này khá linh động và dễ phù hợp với nhiều môi trường. Mô hình lai mang lại nhiều giá trị như khả năng bổ sung theo yêu cầu để tăng hiệu suất cho cơ sở hạ tầng. Sự gia tăng của các ứng dụng dựa trên đám mây lai mang lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ này giúp tăng khả năng kết nối trực tiếp với từng khách hàng trên quy mô lớn. Những dịch vụ như lưu trữ, quản lý và truy cập thông tin theo thời gian thực đã trở nên dễ dàng hơn cho cả các ngân hàng và khách hàng.
Theo đánh giá từ Tạp chí Forbes (Mỹ), đám mây lai hiện đang là 1 trong 10 xu hướng chuyển đổi số nổi bật của năm 2021. Các tổ chức tài chính, ngân hàng ở mọi quy mô hiện nay đều đang hoạt động trong một thế giới lai, từ biên mạng đến đám mây. Công nghệ này hỗ trợ các tổ chức tạo ra sự cân bằng trong việc lưu trữ tất cả các dịch vụ công nghệ tại nội bộ và trên dịch vụ đám mây công cộng.
Tuy nhiên, chiến lược phát triển ngân hàng số tại Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế. Nhiều ngân hàng cho rằng, việc chuyển đổi lên ngân hàng số chỉ đơn thuần là thay đổi giao diện ứng dụng tương tác với khách hàng, chưa coi trọng đến các quy trình nội bộ, sử dụng khoa học phân tích dữ liệu và nâng cao năng lực cho nhân viên. Trong bối cảnh đó, “đám mây” đã và đang trở nên thông dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Hiện các ngân hàng Việt Nam đã hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ đám mây và đang khai thác công nghệ này cho hoạt động quản trị hệ thống, sáng tạo dịch vụ mới… Theo các chuyên gia, điều đó đã giúp họ giảm được chi phí điều hành, trong một số trường hợp, chi phí giảm trên 50% và thời gian ra mắt sản phẩm chỉ bằng 20 – 40% thời gian triển khai hệ thống truyền thống.
Hiện nay, ngành tài chính, ngân hàng đang là một trong các ngành dẫn đầu trong việc áp dụng đám mây lai, đạt mức thâm nhập 21%, so với mức trung bình toàn cầu là 18%. Các công ty thị trường vốn đã sớm áp dụng đám mây lai cho các khối lượng công việc rất cụ thể, thường là công tác nghiên cứu, chăm sóc khách hàng hoặc các hoạt động tập trung vào phân tích giải pháp, dữ liệu. Các ngân hàng bán lẻ  ban đầu chậm chạp trong việc áp dụng điện toán đám mây, cũng đang bắt kịp xu hướng. Theo báo cáo của IDC năm 2020, có 57% các ngân hàng đã triển khai thành công ngân hàng số và chuyển đổi lên đám mây; 40% ngân hàng được khảo sát cho biết đang có kế hoạch chuyển đổi lên môi trường đám mây lai trong vòng 12 – 24 tháng.
Tuy nhiên, cũng có những vấn đề và tác động đáng kể của việc áp dụng đám mây đối với các ngân hàng, đó là vấn đề đảm bảo tính liên tục của dịch vụ khách hàng khi đối mặt với mọi rủi ro tiềm ẩn trên đám mây. Các ngân hàng phải đảm bảo rằng họ có thể chuyển đổi từ đám mây trở lại cơ sở dữ liệu của riêng họ trong các tình huống đó. Các vấn đề quan trọng khác hiện đang được xem xét kỹ lưỡng bao gồm cách thông tin cá nhân được lưu trữ, cách sử dụng, bảo vệ dữ liệu khách hàng, sự phụ thuộc vào nhà cung cấp bên thứ ba và bảo mật của cơ sở hạ tầng đám mây, trong khi dữ liệu tài chính có thể bị trộn lẫn với các dữ liệu khác trên các máy chủ dùng chung.

Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi các dịch vụ số hóa với điện toán đám mây

Mặc dù số hóa ngành tài chính, ngân hàng là hành trình không phải dễ dàng, nhưng cũng có rất nhiều thuận lợi ở thời điểm bùng nổ công nghệ hiện tại. Các nhà quản trị đều nhận thức được sự cần thiết của việc chuyển đổi và nắm bắt công nghệ đám mây để không bị tụt lại phía sau. Để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi các dịch vụ sang số hóa với điện toán đám mây lai, các tổ chức tài chính, ngân hàng cần chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phát triển cơ sở hạ tầng: Cần có một chính sách ưu tiên cho điện toán đám mây nhằm kích hoạt quá trình chuyển đổi số thông qua các ứng dụng như Big Data và IoT. Đa dạng hóa hệ thống CNTT; tối ưu hóa các cơ sở hạ tầng CNTT thông qua quản lý tự động của máy ảo; đảm bảo quá trình kinh doanh liên tục và khả năng phục hồi thảm họa; tăng dự phòng nóng để nâng cao độ sẵn sàng và khả năng phục hồi; kiểm soát tốt hơn lợi nhuận và chi phí cận biên.
Thứ hai, xây dựng chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng điện toán đám mây cụ thể: Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, nguồn vốn để hiện đại hóa quy trình kinh doanh bằng việc ứng dụng CNTT; giảm chi tiêu cho phần cứng, phần mềm, CNTT hỗ trợ, an toàn, an ninh bằng thuê ngoài phần mềm cơ sở hạ tầng, nền tảng, dịch vụ; nâng cao tính linh hoạt và khả năng mở rộng của nguồn lực CNTT…
Thứ bavề hành lang pháp lý: Trước khi có hành lang pháp lý cụ thể cho điện toán đám mây, các ngân hàng và nhà cung cấp đám mây nên tập trung vào các điều khoản của hợp đồng để đánh giá và đề cập đúng mức các nguy cơ bảo mật. Cần phải thúc đẩy triển khai các công cụ hiện đại về quản lý tăng cường an ninh và phức tạp.
Thứ tư, dịch chuyển đến một đám mây lai: Nhằm nhận được lợi ích tốt nhất từ cả hai đám mây riêng và công cộng, cần điều chuyển khối lượng công việc phức tạp hơn vào các đám mây lai để đổi mới, rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường và tối đa hóa tiềm năng mà công nghệ kỹ thuật số mới phải cung cấp.

So sánh tài chính
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0