Ngân hàng nỗ lực chuyển đổi thẻ chip, đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục và an toàn

Việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là một nhu cầu tất yếu, cần thiết và phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới.

Việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là một nhu cầu tất yếu, cần thiết và phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới. Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại Việt Nam, các tổ chức phát hành thẻ, thanh toán thẻ, chuyển mạch thẻ, bù trừ điện tử vẫn đang nỗ lực thực hiện lộ trình chuyển đổi thẻ chip theo quy định. Trong quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định và an toàn, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng chủ thẻ.
Theo Thông tư số 41/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, đến ngày 31/12/2021, 100% thẻ thanh toán đang lưu hành của các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở của thẻ chip nội địa.
Còn theo Thông tư số 22/2020/TT-NHNN ngày 31/12/2020 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, đến ngày 31/12/2021, 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa; từ ngày 31/3/2021, các tổ chức phát hành thẻ  thực hiện phát hành thẻ có BIN do NHNN cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa.

Chuyển đổi sang thẻ chip góp phần bảo đảm an ninh, bảo mật trong thanh toán

Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là xu thế tất yếu của các nước trong khu vực và quốc tế, là việc làm cần thiết trước tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng và tập trung vào các thị trường chưa thực hiện chuyển đổi công nghệ chip.
Ngân hàng nỗ lực chuyển đổi thẻ chip, đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục và an toàn
Thẻ từ có mức độ bảo mật thông tin khá thấp bởi thông tin được lưu trên dải từ ở mặt sau của thẻ không được mã hóa. Khi khách hàng cắm thẻ vào máy ATM hay quẹt thẻ trên máy POS, thông tin lưu trữ ở dải từ sẽ được đọc bởi các đầu đọc trong máy, do vậy, chỉ cần một thiết bị quẹt thẻ từ thông dụng, kẻ gian có thể dễ dàng đánh cắp thông tin thẻ, sau đó cũng dễ dàng tạo ra các thẻ giả với thông tin sao chép được, đồng thời gắn các thiết bị lén ghi lại động tác nhập mã PIN của khách hàng và như vậy là đủ để kẻ gian có thể trộm tiền từ tài khoản của khách hàng. Đây là hình thức tội phạm khá phổ biến, thường được gọi là Skimming. Nói cách khác, việc sử dụng thẻ từ trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ có một số nhược điểm như: dễ bị lộ dữ liệu cá nhân, dễ bị làm giả và tiện ích đi kèm chưa phong phú.
Với thẻ chip theo Tiêu chuẩn quốc tế EMV, được gắn chip điện tử và thiết kế để ngăn chặn các hành vi gian lận Skimming nhờ có khả năng lưu trữ và mã hóa thông tin với độ bảo mật cao. Theo đó, chip EMV sẽ tạo dữ liệu mới mỗi khi khách hàng thực hiện giao dịch. Khi sử dụng thẻ công nghệ chip EMV tại một thiết bị đọc thẻ, thẻ sẽ tạo ra một chuỗi mã hóa duy nhất chỉ dành riêng cho giao dịch đó. Mã hóa này không thể sử dụng cho một giao dịch khác bởi nó được tạo từ sự kết hợp thông tin có trong chip và thông tin có trong thiết bị đọc thẻ. Điều đó có nghĩa, người sử dụng sẽ không phải lo thông tin thẻ bị sao chép do đã được mã hoá, kết hợp thêm với mã PIN của chính người sử dụng thì khả năng bị gian lận được giảm thiểu tối đa.
Một giao dịch trên thẻ EMV thành công sẽ phải trải qua bước xác thực phức tạp 2 chiều từ thiết bị nhận thẻ đến ngân hàng thanh toán, thông qua cổng thanh toán thẻ của Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và ngân hàng phát hành. Chỉ khi được tất cả những tổ chức liên quan cấp phép chuẩn chi, giao dịch mới thành công.
Thẻ chip nội địa do các ngân hàng phát hành từ tháng 5/2019 tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip do NHNN ban hành và Tiêu chuẩn EMV. Thẻ chip nội địa đáp ứng đầy đủ các yếu tố kỹ thuật về an toàn, bảo mật sẽ hạn chế các rủi ro về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng.
Do vậy, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là một nhu cầu tất yếu, cần thiết và phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, qua đó góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, chống giả mạo, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ. Đồng thời, việc chuyển đổi cũng mở ra cơ hội phát triển mới cho thẻ thanh toán, mở rộng và phát triển các dịch vụ thanh toán thẻ tại Việt Nam; tăng cường sự phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững cho thị trường thẻ ngân hàng, bảo đảm cho các thành viên thị trường có thể liên kết, chia sẻ, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng công nghệ liên quan tới phát hành, thanh toán và sử dụng thẻ. Cùng với đó là cơ hội để thẻ nội địa tham gia hội nhập quốc tế khi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, bảo mật khắt khe của các tổ chức quốc tế. Với hạ tầng thanh toán không tiếp xúc của thẻ chip nội địa, cộng với việc ứng dụng công nghệ để số hóa thông tin thẻ lên thiết bị di động, tương lai thị trường sẽ đón nhận trào lưu thanh toán “chạm” ngày càng phổ biến. Vì vậy, các ngân hàng đã tích cực triển khai hoạt động đổi thẻ từ sang thẻ chip bằng nhiều giải pháp.
Thời gian qua, một số ngân hàng đã chỉ đạo các chi nhánh về việc hợp tác với các doanh nghiệp chuyển đổi đồng loạt thẻ chip nội địa trả lương cho cán bộ, nhân viên như Vietinbank, BIDV, MB… Các ngân hàng đã triển khai các chương trình miễn phí chuyển đổi thẻ chip cho khách hàng như VCB, MSB, MB, Indovina Bank (IVB), Sacombank, KienlongBank, VietABank, OCB, ShinhanBank, NCB, Pvcombank, VIB, SHB, Ngân hàng Việt Nga (VRB)… hay ngân hàng kết hợp với các chương trình mở tài khoản số đẹp và phát hành thẻ chip nội địa mới; tặng quà hấp dẫn cho khách hàng như BaoViet Bank, MB, Công ty tài chính VietCredit…
Nhằm thúc đẩy và hỗ trợ các tổ chức thành viên hoàn thành công tác chuyển đổi thẻ chip, Napas cũng triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi thẻ chip năm 2021 đối với các tổ chức thành viên. Theo đó, Napas sẽ hỗ trợ các tổ chức thành viên đầu tư, nâng cấp thiết bị chấp nhận thẻ (POS) và phát hành thẻ chip theo tiêu chuẩn cơ sở do NHNN ban hành, bao gồm hỗ trợ chuyển đổi cho thẻ chip tiếp xúc (thẻ contact) và thẻ chip không tiếp xúc (thẻ contactless), POS cho thẻ chip tiếp xúc và POS cho thẻ Dual (loại thẻ có 02 chip độc lập trên cùng một mặt phôi thẻ vật lý, trong đó 01 chip của thẻ ghi nợ nội địa và 01 chip của thẻ tín dụng nội địa). Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của 41 tổ chức thành viên thực hiện trong năm 2021.
Theo Napas, hiện tại, 43/50 tổ chức thành viên Napas đã hoàn thành việc chứng thực đáp ứng tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip (VCCS), trong đó 7 ngân hàng đầu tiên đã hoàn thành 100% công tác chuyển đổi VCCS theo quy định của NHNN là MB, LienVietPostBank, VietBank, Standard Chartered, Hongleongbank, IBK Hồ Chí Minh, IBK Hà Nội. Tính đến ngày 30/6/2021, tổng số lượng thẻ chip chuyển đổi trong cả nước đạt 18,4 triệu thẻ, tổng số ATM và POS chuyển đổi tương ứng đạt hơn 15,5 nghìn ATM và 170 nghìn POS.

Đồng bộ hạ tầng thanh toán thẻ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Thời gian qua, hoạt động thẻ ngân hàng tại Việt Nam đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Xu hướng thanh toán qua thẻ cũng tăng mạnh. Theo số liệu của NHNN, đến cuối quý II/2021, tổng số lượng thẻ nội địa đang lưu hành là 98 triệu thẻ, tổng số lượng thẻ quốc tế đang lưu hành là 20 triệu thẻ. Thẻ nội địa đang lưu hành bao gồm: thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng nội địa, thẻ trả trước nội địa, thẻ nội địa khác. Thẻ quốc tế đang lưu hành bao gồm: thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ tín dụng quốc tế, thẻ trả trước quốc tế và thẻ quốc tế khác. Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng với tổng giá trị thanh toán thẻ và ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng trưởng tương ứng là 50% và 125% so với cùng kỳ năm 2020. Các con số này ghi nhận kết quả tích cực việc triển khai, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN trong thời gian qua.
Theo Napas, hiện tại, đã có 41 Ngân hàng phát hành thẻ ghi nợ nội địa; 07 ngân hàng/tổ chức tài chính triển khai phát hành thẻ tín dụng nội địa bao gồm Vietinbank, Sacombank, ACB, HDBank, VietCapital Bank, BaoVietBank, VietCredit; 03 ngân hàng thẻ triển khai trả trước nội địa gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank.
Từ tháng 4/2020, Napas và Vietbank đã phối hợp tích hợp thẻ ngân hàng trong thanh toán giao thông tại TP. Hồ Chí Minh. Tháng 4/2021, Napas đã phối hợp VietinBank triển khai sản phẩm thẻ chip nội địa 2Card, đánh dấu lần đầu tiên thị trường thẻ nội địa Việt Nam xuất hiện dòng sản phẩm thẻ kép Dual.
Cùng với số lượng thẻ phát hành tăng lên nhanh chóng trong các năm gần đây, mạng lưới ATM cũng được các ngân hàng đầu tư trang bị, nâng cấp, kết nối liên thông giữa các hệ thống của các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu giao dịch của chủ thẻ trên cả nước. Một máy ATM thế hệ mới có thể bao gồm nhiều tính năng hỗ trợ chủ thẻ thực hiện các giao dịch như: rút tiền mặt, nộp tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn (điện, nước, điện thoại, thẻ tín dụng), gửi tiền tiết kiệm, tra cứu thông tin (số dư, tỷ giá, địa điểm đặt ATM, sao kê…) và cả dịch vụ rút tiền mặt mà không cần phải dùng thẻ.
Đặc biệt, gần đây các ngân hàng và đối tác công nghệ đã cung cấp ra thị trường giải pháp điểm chấp nhận thanh toán thẻ trên thiết bị di động (mPOS), hỗ trợ các đơn vị chấp nhận thẻ có thể chấp nhận thanh toán qua thiết bị điện thoại di động cả thẻ quốc tế và thẻ nội địa của nhiều ngân hàng. Giải pháp mPOS được thiết kế phù hợp với nhiều loại hình kinh doanh và dịch vụ, từ các công ty, nhà hàng, tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ có giao hàng và thu tiền tại nhà, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Việc mở rộng của hệ thống các đơn vị chấp nhận thẻ và kết nối liên thông mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ của các ngân hàng trên toàn quốc thời gian qua đã giúp chủ thẻ có thể thanh toán một cách đơn giản và thuận tiện hơn. Cụ thể là chủ thẻ của các ngân hàng có thể thanh toán bằng thẻ thông qua POS mà một ngân hàng trang bị tại điểm chấp nhận thẻ mà không cần phải dùng tiền mặt cũng như không cần có nhiều loại thẻ của nhiều ngân hàng như trước đây. Bản thân các ngân hàng cũng không cần cùng lúc lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ riêng của mình tại một đơn vị chấp nhận thẻ, gây lãng phí không cần thiết.
Ngân hàng nỗ lực chuyển đổi thẻ chip, đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục và an toàn

Sử dụng thẻ gắn chip để thanh toán

Hiện nay, nhiều ngân hàng phối hợp với các đơn vị chấp nhận thẻ như các cửa hàng, siêu thị điện máy, trung tâm thương mại, công ty dịch vụ du lịch, giải trí,… đã dành thêm nhiều ưu đãi cho khách hàng khi thanh toán bằng thẻ, góp phần khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Có thể nói, quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip được các tổ chức phát hành thẻ, thanh toán thẻ, chuyển mạch thẻ đồng loạt triển khai từ rất sớm ngay sau khi có chỉ đạo của NHNN. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh dẫn tới nhiều tỉnh thành áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt nên công tác chuyển đổi thẻ của các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Mặt khác, tình hình dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới tiến độ công việc các đơn vị nhà thầu. Các nước đóng cửa biên giới, hoạt động nhập khẩu các thiết bị phục vụ chuyển đổi bị đình trệ, cùng những khó khăn chung đối với các ngành và lĩnh vực liên quan cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Hơn nữa, quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là một quá trình phức tạp, đòi hỏi thời gian, đầu tư chi phí, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Các ngân hàng còn phải có các hình thức liên hệ phù hợp đến khách hàng để thực hiện việc chuyển đổi nên khó thực hiện nhanh. Chưa kể, số lượng thẻ ATM đã phát hành khá lớn nên việc chuyển đổi cần phải có thời gian và kế hoạch tỉ mỉ để bảo đảm không gây bất tiện cho chủ thẻ, đồng thời ngân hàng có thể chuẩn bị ngân sách cho việc chuyển đổi này.
Ngoài ra, việc thực hiện chuyển đổi còn phụ thuộc nhiều vào sự sẵn sàng và hợp tác của chủ thẻ nội địa. Có điều đến nay, khái niệm thẻ chip nói chung, thẻ chip không tiếp xúc nói riêng vẫn khá mới mẻ với người dân, đồng thời hạ tầng thanh toán thẻ loại này và mạng lưới chấp nhận thẻ chip nội địa nói chung còn hạn chế cũng cản trở đến tiến độ, lộ trình chuyển đổi của các ngân hàng. Chưa kể, số lượng nhà cung cấp phôi thẻ đủ tiêu chuẩn ít.

Đảm bảo đúng lộ trình và an toàn trong hoạt động thanh toán thẻ

Thời gian tới, để tháo gỡ dần khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip cần sự phối hợp đồng bộ từ các tổ chức phát hành thẻ, thanh toán thẻ, chuyển mạch thẻ; sự giám sát, chỉ đạo từ phía NHNN.
Về phía NHNN, có thể xem xét và có các chính sách, phương án hỗ trợ cụ thể, như: xem xét điều chỉnh phạm vi các loại thẻ bắt buộc chuyển đổi hoặc không bắt buộc phát hành thẻ chip đối với dòng thẻ như thẻ liên kết sinh viên, thẻ liên kết đối tác có phạm vi sử dụng hẹp. Bên cạnh đó, NHNN cần xem xét phối hợp các ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế giá phí phù hợp để có thể áp dụng tại các đơn vị cung cấp phôi thẻ cho các ngân hàng trong giai đoạn triển khai chuyển đổi thẻ nội địa. Đồng thời, NHNN có thể xây dựng quy định về việc chuyển đổi trách nhiệm khi phát sinh rủi ro đối với thẻ chip nội địa để bảo đảm quyền lợi, tránh rủi ro cho các ngân hàng tích cực triển khai phát hành và chuyển đổi thẻ chip nội địa, từ đó làm động lực thúc đẩy nhanh quá trình triển khai chuyển đổi. Napas cần tiếp tục hỗ trợ các tổ chức thành viên đầu tư, nâng cấp thiết bị chấp nhận thẻ và phát hành thẻ chip theo tiêu chuẩn cơ sở do NHNN ban hành.
Các tổ chức phát hành thẻ, thanh toán thẻ, chuyển mạch thẻ cần đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao kiến thức cho khách hàng trong sử dụng thẻ, thấy được những tiện ích và ưu điểm của thẻ chip, đồng thời nâng cao kỹ năng sử dụng thẻ nhằm hạn chế rủi ro trong giao dịch, từ đó khách hàng an tâm và hưởng ứng chuyển đổi sang thẻ chip. Đối tượng hướng tới không chỉ là người dân thành thị, giới trẻ mà còn các khách hàng ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, người yếu thế, người già nhằm xóa bỏ dần thói quen sử dụng tiền mặt.
Đồng thời, các tổ chức cần phối hợp trong việc nâng cấp hạ tầng công nghệ, tăng tính kết nối và đồng bộ trong hạ tầng công nghệ, hạ tầng máy ATM, POS, mPOS. Việc đầu tư cho công nghệ thẻ chip, đồng bộ các thiết bị kết nối đòi hỏi chi phí, nhân lực lớn, do vậy, các tổ chức phát hành thẻ (trong đó có các ngân hàng thương mại) cần tiết giảm chi phí, ưu tiên cho đổi mới công nghệ và coi công nghệ là nền tảng, lấy khách hàng làm trung tâm trong chuyển đổi số, giúp giảm bớt thời gian, chi phí, nhân lực.
Tính bảo mật và an toàn của thẻ chip được nâng cao sẽ giúp khách hàng tin tưởng hơn khi sử dụng thẻ, từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, các tổ chức phát hành thẻ, thanh toán thẻ, chuyển mạch thẻ cần chú trọng tính an toàn, liên tục và thông suốt các giao dịch thẻ cho khách hàng trong quá trình chuyển đổi thẻ chíp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng, nếu có phát sinh rủi ro, vướng mắc, cần xử lý kịp thời, đúng quy định.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các tổ chức cần phối hợp các sàn thương mại điện tử uy tín có chính sách ưu đãi, khuyến mãi để thu hút khách hàng sử dụng thẻ, trong đó cần khuyến khích sử dụng thẻ áp dụng công nghệ chip không tiếp xúc bởi nhiều tiện ích như an toàn, nhanh chóng, nâng cao vệ sinh an toàn, nhất là trong bối cảnh cần có cảnh giác cao với dịch Covid-19. Tương lai không xa, công nghệ thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam sẽ trở thành xu hướng nổi trội, mở ra tương lai thanh toán trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giao thông thông minh (thanh toán vé xe bus, tàu điện ngầm, bãi đỗ xe, trạm thu phí…), tích hợp cùng với các loại thẻ như thẻ sinh viên, thẻ bảo hiểm, thẻ bệnh viện… tạo sự đơn giản, thuận tiện cho người dân trong đời sống, sinh hoạt. Khi thanh toán, khách hàng chỉ cần chạm hoặc đưa thẻ đến gần thiết bị chấp nhận thẻ là có thể hoàn thành giao dịch một cách dễ dàng thay vì quẹt thẻ hoặc cắm vào đầu đọc thẻ như cách thanh toán truyền thống.
Tài liệu tham khảo:
Cổng thông tin điện tử NHNN: sbv.gov.vn
So sánh tài chính
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0