Mách bạn quy trình lập ngân sách 5 bước dễ thực hiện nhất

Việc lập ngân sách là rất quan trọng nếu bạn muốn tiết kiệm cho tương lai và đạt được tự do tài chính. Thay vì bị bối rối bởi các hướng dẫn phức tạp, kế hoạch ngân sách đơn giản chỉ bao gồm 5 bước sẽ hiệu quả hơn.

Hiểu một cách đơn giản nhất, ngân sách là một kế hoạch về cách bạn sẽ chi tiêu thu nhập của mình. Nó đảm bảo bạn có tiền để trang trải các nhu cầu thiết yếu như nhà ở, cửa hàng tạp hóa, tiện ích và khoản thanh toán nợ hàng tháng, đồng thời hướng tới các mục tiêu tài chính khác. Có ngân sách khôn ngoan, bạn có thể tận dụng tối đa tiền lương của mình, nếu không có, có khả năng bạn sẽ hết tiền trước ngày nhận lương tiếp theo.

Brittany Castro, nhà lập kế hoạch tài chính được chứng nhận nội bộ của Mint cho biết: “Việc xây dựng ngân sách không cần phải quá phức tạp hoặc tốn thời gian. Đó thực sự là bước đầu tiên để giúp bạn kiểm soát tài chính của mình vì chỉ là biết tiền của mình đi đâu mỗi tháng”.

Quy trình lập ngân sách 5 bước hiệu quả

1. Kiểm tra thu nhập của bạn

Để bắt đầu lập ngân sách, trước tiên bạn cần biết rõ thu nhập hàng tháng của mình, cụ thể hơn là số tiền bạn mang về nhà các khoản bảo hiểm, thuế. Nếu bạn không chắc thu nhập ròng của mình (thu nhập sau thuế) trông như thế nào, bạn có thể sử dụng sao kê ngân hàng để có con số chính xác.

Khi bạn đã ước tính thu nhập của mình, bạn cũng cần ước tính chi phí chi tiêu hàng tháng như tiền thuê nhà hoặc trả nợ thế chấp, chi phí tiện ích, cửa hàng tạp hóa, bảo hiểm và gas. Nếu bạn có các khoản nợ (thẻ tín dụng, khoản vay mua ô tô,… thì hãy thêm những khoản này vào sau đó thực hiện so sánh.

Lập ngân sách tài chính và duy trì là một nỗ lực dài hạn nhiều bước. (Nguồn: GoBanking Rates)

Todd Christensen, cố vấn tài chính và quản lý giáo dục cho biết: “Nếu chi phí dự kiến của bạn lớn hơn thu nhập dự kiến, bạn sẽ cần kiếm thêm thu nhập, cắt giảm một số khoản mua sắm, mắc nợ hoặc kết hợp cả ba điều này”. Tuy nhiên, nếu thu nhập của bạn lớn hơn chi phí, điều đó có nghĩa là bạn có thêm tiền mặt để tiết kiệm hoặc hướng tới một số mục tiêu ngân sách khác.

2. Chọn chiến lược ngân sách phù hợp

Bước tiếp theo là tạo kết hoạch ngân sách của bạn, một kế hoạch cụ thể về cách bạn sẽ sử dụng thu nhập của mình mỗi tháng và cuối cùng đạt được các mục tiêu tài chính. Có nhiều kiểu ngân sách với tỷ lệ chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư khác nhau với ưu, nhược điểm riêng, bạn có thể cân nhắc đến một số tùy chọn.

Đầu tiên là quy tắc 50/30/20 – đã phổ biến 20 năm qua, trong đó bạn sẽ sống bằng 50% thu nhập của mình như nhà ở, đi lại, tiện ích, 30% cho các chi phí phát sinh và tiết kiệm, đầu tư 20%. Quy tắc ngân sách này dễ tiếp cận, không buộc bạn phải tính đến từng giao dịch mua hoặc chi tiêu nhưng nhược điểm là chưa đủ chi tiết.

Một quy tắc khác là 70/20/10, cũng có cấu trúc ngân sách lỏng lẻo nhưng có phần khắt khe hơn, bạn sẽ chi tiêu 70% thu nhập, 20% đầu tư và tiết kiệm, 10% trả nợ hoặc làm từ thiện.

Trường hợp thu nhập trừ chi phí của bạn bằng 0 thì gần như kế hoạch ngân sách ở đây là làm sao có dư dả và giảm chi tiêu tối đa ở mức có thể. Ngoài ra, một số giải pháp khác là kế hoạch ngân sách “phong bì”, trong đó bạn giới hạn tiền chi tiêu là tiền mặt vào một phong bì, không đụng đến các khoản tiền còn lại.

3. Giảm chi tiêu

Khi bạn bắt đầu tạo ngân sách của mình, điều quan trọng là bạn phải thực sự phân tích chi phí một cách chính xác và trung thực. Bạn nên tự hỏi liệu những chi phí đó có cần thiết không, và nếu có, có cách nào để giảm bớt hoặc làm cho chúng hợp túi tiền của mình hơn không? Điều này có thể có nghĩa là thương lượng lại giá cả, chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ hoặc tìm kiếm phiếu giảm giá, các ưu đãi đặc biệt.

Bạn có thể bắt đầu giảm chi tiêu bằng cách hủy theo dõi trên các ứng dụng mua hàng, ngừng nhận email khuyến mãi,… để ít “kích thích” nhu cầu chi tiêu không cần thiết. Bên cạnh đó, trước khi chi tiêu gì, bạn hãy đặt quy tắc đợi 48 tiếng (2 ngày) xem bạn có còn thật sự muốn mua hay không – giải pháp này giảm nguy cơ mua hàng bốc đồng, không cần thiết.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên thực hiện kiểm tra các dịch vụ đăng ký hàng tháng, hủy những đăng ký không sử dụng. Lên kế hoạch cho các bữa ăn tại nhà, tìm cách giảm lãi suất khoản vay,… đều giúp bạn để ra được một số tiền kha khá và kế hoạch ngân sách sẽ chặt chẽ hơn.

4. Tiết kiệm và đầu tư tự động

Cho dù bạn chọn phương pháp lập ngân sách nào, điều quan trọng là phải duy trì khoản tiết kiệm một phần thu nhập trong kế hoạch của bạn. Thông thường, tùy chọn tốt nhất là gửi tiền tự động vào tài khoản tiết kiệm, vì điều này giúp giảm rắc rối và giúp bạn đạt được mục tiêu. Để tối đa hóa khoản tiết kiệm của mình, bạn có thể xem xét một tài khoản tiết kiệm lãi suất cao, kiếm được tiền với tỷ lệ cao hơn so với các tùy chọn khác. Khi bạn đã tự động hóa khoản tiết kiệm của mình, bạn cũng có thể nghĩ đến việc đầu tư sinh lời.

5. Theo dõi tiến trình

Ngân sách là kế hoạch sẽ luôn biến đổi, bị ảnh hưởng nên bạn cần theo dõi tiến độ, điều chỉnh thường xuyên, đặc biệt là trong thời gian đầu. Bạn cũng sẽ cần phải điều chỉnh đáng kể thói quen chi tiêu của mình. “Điều quan trọng là xác định xu hướng chi tiêu của bạn và đảm bảo chúng phù hợp với các ưu tiên”, Christensen nói. “Nếu bạn đang chi 50 USD một tuần cho nước ngọt, nhưng bạn muốn ưu tiên mua một máy chơi game mới, thì đã đến lúc thay đổi hành vi mua nước ngọt của bạn”.

Có nhiều cách để lập ngân sách và bạn có thể cần thử nghiệm trước khi tìm thấy giải pháp phù hợp. Đừng ngại hỏi bạn bè, người thân hoặc tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp nếu bạn thực sự muốn thay đổi thói quen và có ngân sách lành mạnh.

So sánh tài chính
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0