Khái niệm và chức năng của bảo lãnh ngân hàng

LưuĐã lưuRemoved 0
Like0
Like0

Bảo lãnh ngân hàng chính là cam kết bằng văn bản của ngân hàng (bên bảo lãnh) với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh) khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.

  1. Khái niệm

1.1 Khái niệm bảo lãnh

Phương thức bảo lãnh là bất cứ một sự bảo lãnh, một sự cam kết hay bất cứ một sự cam kết thanh toán nào của trung gian tài chính hoặc của pháp nhân hay thể nhân bằng văn bản là sẽ bồi thường một số tiền nhất định, nếu đến hạn mà người được bảo lãnh không hoàn thành nghĩa vụ như quy định trên thư bảo lãnh.

1.2 Khái niệm bảo lãnh ngân hàng

Chính là cam kết bằng văn bản của ngân hàng (bên bảo lãnh) với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh) khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. Khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho ngân hàng số tiền đã được trả thay.

Cam kết bảo lãnh: Là văn bản bảo lãnh của tổ chức tín dụng, bao gồm:

Thư bảo lãnh: là cam kết đơn phương bằng văn bản của tổ chức tín dụng về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.

Hợp đồng bảo lãnh: Là thoả thuận bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng và bên nhận bảo lãnh hoặc giữa tổ chức tín dụng, bên nhận bảo lãnh, khách hàng và các bên liên quan (nếu có) về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh.

Trong kinh doanh ngày nay, bảo lãnh luôn được xem như tấm Giấy thông hành cho doanh nghiệp trong các hoạt động mua bán trả chậm. Việc này không những tạo thuận lợi cho kế hoạch của doanh nghiệp mà các đối tác kinh doanh cũng sẽ có cơ sở để tin tưởng doanh nghiệp hơn.

  1. Đặc điểm cơ bản

2.1. Tính chất độc lập

Mặc dù nội dung của bảo lãnh được xây dựng trên cơ sở nội dung của hợp đồng thương mại, hợp đồng vay vốn hay hợp đồng đấu thầu nhưng đặc trưng nổi bật của bảo lãnh đó là nó độc lập và tách biệt với các quan hệ thương mại và vay nợ.

Điều này có nghĩa là thư bảo lãnh độc lập và tách rời khỏi cơ sở hình thành ra nó. Trong bất kỳ một bảo lãnh nào cũng tồn tại ít nhất ba mối quan hệ của ba hợp đồng, và tính chất độc lập của của nó được thể hiện rõ nét trong từng mối quan hệ giữa các bên liên quan.

Thứ nhất là quan hệ giữa người được bảo lãnh và người nhận bảo lãnh (người thụ hưởng) trong hợp đồng thương mại, hợp đồng vay nợ hay đấu thầu. Đây là hợp đồng đóng vai trò cốt yếu và là cơ sở cho việc xây dựng hai hợp đồng còn lại.

Thứ hai là quan hệ giữa người được bảo lãnh và ngân hàng phát hành bảo lãnh trong hợp đồng cung cấp dịch vụ hay tài trợ giữa khách hàng và ngân hàng.

Thứ ba là quan hệ giữa người thụ hưởng và ngân hàng phát hành bảo lãnh thể hiện qua cam kết bảo lãnh của ngân hàng đối với khách hàng của mình (người được bảo lãnh).

Như vậy các hợp đồng được hình thành xuất phát từ những mối quan hệ giữa các đối tượng riêng biệt, đồng thời do được chi phối bởi các mục đích khác nhau nên tính pháp lý cũng như quyền lợi của các bên liên quan hoàn toàn mang tính độc lập.

Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề nảy sinh giữa các bên trong hợp đồng thương mại như các tranh chấp hợp đồng, hay các quyền kháng nghị từ hợp đồng đều không hề ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa ngân hàng và bên người thụ hưởng. Giữa ngân hàng và bên thụ hưởng chỉ có mối ràng buộc ở các điều kiện bảo lãnh.

Một khi điều kiện bảo lãnh của ngân hàng được tuân thủ thì ngân hàng phát hành không thể vì bất kỳ một lý do nào đó như: ràng buộc giữa Người được bảo lãnh và ngân hàng phát hành không chặt chẽ, Người được bảo lãnh bị phá sản, Người được bảo lãnh vẫn còn nợ ngân hàng phát hành, Người được bảo lãnh và Người thụ hưởng đang tranh cãi về hình thức vi phạm và mức độ thiệt hại…mà từ chối hay cố tình trì hoãn việc thanh toán. Trách nhiệm này đòi hỏi ngân hàng phải thực sự thận trọng và cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định cung cấp dịch vụ bảo lãnh cho một khách hàng nào đó.

Đồng thời cũng vì lý do này mà người được bảo lãnh để được ngân hàng bảo lãnh cần tuân thủ chặt chẽ các cam kết của mình với bên yêu cầu bảo lãnh và với ngân hàng bảo lãnh. Ngân hàng sau khi xem xét, kiểm tra các chứng từ cần thiết sẽ phải thanh toán rồi mới đòi bồi hoàn từ người được bảo lãnh.

2.2. Bảo lãnh là một hoạt động ngoại bảng

Bảo lãnh ngân hàng là một hoạt động ngoại bảng nhưng lại được quản lý như một nghiệp vụ tín dụng.

Bản chất của bảo lãnh là một hình thức tài trợ thông qua uy tín. Khi phát hành một cam kết bảo lãnh, bảng cân đối tài sản của ngân hàng không hề bị thay đổi. Do vậy, nghiệp vụ bảo lãnh được coi là một hoạt động ngoại bảng.

Tuy nhiên, trong trường hợp bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng theo các điều khoản được ghi trong cam kết bảo lãnh, ngân hàng buộc phải sử dụng nguồn vốn của mình để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên nhận bảo lãnh. Nếu bên được bảo lãnh chưa hoàn trả ngay cho ngân hàng, ngân hàng sẽ cấp một khoản tín dụng bắt buộc cho bên được bảo lãnh. Khi đó, nghiệp vụ bảo lãnh sẽ tác động đến bảng cân đối tài sản của ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản và các chỉ tiêu tài chính của ngân hàng. Bởi vậy, tuy là một hoạt động ngoại bảng, bảo lãnh vẫn phải được giám sát và quản lý một cách chặt chẽ như các hình thức cấp tín dụng khác.

2.3. Tính chất nội địa và quốc tế

So với nghiệp vụ thanh toán tín dụng chứng từ trong thập niên 30, hoạt động bảo lãnh chỉ mới được áp dụng từ giữa những năm 60 bắt đầu từ thị trường nội địa của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, từ năm 1970, bảo lãnh đã được sử dụng rộng rãi trong giao dịch quốc tế như là một công cụ đảm bảo hữu hiệu góp phần thúc đẩy mậu dịch giữa các nước. Các đối tác làm ăn ở các quốc gia khác nhau thường sử dụng nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng như là một hình thức đảm bảo, hạn chế các rủi ro thường gặp do sự thiếu thông tin, sự khác biệt về không gian, văn hoá, tôn giáo hay do những biến động về môi trường chính trị và xã hội khác nhau.

Cùng với sự phát triển của bảo lãnh quốc tế thì bảo lãnh cũng ngày càng phổ biến trong thị trường nội địa vì tính đa dạng của nó. Nếu như tín dụng thư chỉ được sử dụng trong lĩnh vực thương mại như là một phương tiện thanh toán an toàn cho cả hai phía, thì bảo lãnh thư là một công cụ được sử dụng rất năng động, có thể đáp ứng các nhu cầu về thương mại và phi thương mại, tài chính và phi tài chính..Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động bảo lãnh đã thực sự phát huy lợi thế của mình trong mạng lưới giao dịch đang diễn ra trên khắp đất nước. Nghiệp vụ bảo lãnh rất thông dụng không chỉ trong hoạt động ngân hàng (bảo lãnh trả nợ vay, bảo lãnh rút quá số dư…) mà còn trong các giao dịch ở mọi lĩnh vực khác như trong lĩnh vực xây dựng (bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh duy tu), thuế (bảo lãnh trả thuế), hoặc hải quan (bảo lãnh hàng tạm nhập, tái xuất hay tạm xuất tái nhập).

  1. Chức năng của bảo lãnh ngân hàng

3.1 Chức năng phòng ngừa rủi ro

Đây là chức năng cơ bản của nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng. Xuất phát từ sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các đối tác, sự rủi ro do khách quan cũng như chủ quan, do đó bảo lãnh ngân hàng có chức năng là công cụ bảo đảm cho các giao dịch diễn ra.Tuy nhiên chức năng này không hoàn toàn trùng khớp với chức năng phòng ngừa rủi ro trong hoạt động bảo hiểm. Điều này được thể hiện rõ nét trong mục đích và hình thức của bảo lãnh. Bảo lãnh ngân hàng không bù đắp toàn bộ thiệt hại khi có rủi ro mà nó chỉ trước hết tạo ra sự đảm bảo tín nhiệm giữa các đối tác trong giao dịch và cam kết đền bù ở một mức độ cụ thể được ghi trong thư bảo lãnh.

3.2. Chức năng đảm bảo pháp lý

Đây chính là mục tiêu và là chức năng tối quan trọng của nghiệp vụ bảo lãnh, đó là cung cấp một sự đảm bảo cho người thụ hưởng, không chỉ là bảo đảm về thanh toán mà còn bảo đảm việc thực hiện hợp đồng và nhờ đó đảm bảo sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng: trong mối quan hệ dân sự cũng như kinh tế, ai không thực hiện nghĩa vụ của mình thì người đó phải chịu hậu quả phát sinh.

Bảo lãnh tạo lập sự đảm bảo về nghĩa vụ tài chính và phi tài chính., trong đó nghĩa vụ tài chính đó là người đi vay phải trả nợ cho ngân hàng theo hợp đồng tín dụng, người mua phải trả tiền hàng cho người bán, chủ công trình phải trả tiền thi công cho nhà thầu… còn nghĩa vụ phi tài chính đó là người bán phải giao hàng theo hợp đồng thương mại cho người mua hay nghĩa vụ nhà thầu phải thực hiện đúng tiến độ xây dựng.

Như vậy có thể nói bảo lãnh thực chất là hình thức đảm bảo pháp lý trong giao dịch chứ không hoàn toàn chỉ mang chức năng thanh toán. Đặc biệt các thư bảo lãnh dùng trong hợp đồng thi công, hợp đồng bảo hành sản phẩm, dự thầu công trình… là những thoả thuận không mang tính chất mua bán hay thanh toán. Với chức năng đảm bảo pháp lý này, bảo lãnh có tác dụng đem lại sự tín nhiệm cũng như an tâm cho các nhà cung cấp vốn, nhà tài trợ trong giao dịch với đối tác.

3.3. Chức năng thúc đẩy

Trong nghiệp vụ bảo lãnh, ngân hàng chỉ đứng ra đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tức là chức năng đảm bảo pháp lý. Và như vậy, bản thân các doanh nghiệp sẽ tự mình quyết định cách thức thực hiện các nghĩa vụ đó, tính toán sao cho có hiệu quả cũng như phải chịu trách nhiệm trước những hành vi vi phạm của mình. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của n gười xin bảo lãnh, buộc họ và các bên có liên quan phải nỗ lực trong việc thực hiện đúng các nghĩa vụ theo yêu cầu của hợp đồng.

Mặt khác, ngay cả đối với người được thụ hưởng bảo lãnh, họ sử dụng bảo lãnh chỉ như là một công cụ để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng của Người được bảo lãnh, hạn chế rủi ro nên cho dù họ có quyền yêu cầu ngân hàng phát hành bảo lãnh thanh toán khi người được bảo lãnh vi phạm hợp đồng, nhưng về thực chất trước và sau khi ký kết, người thụ hưởng vẫn luôn mong muốn người được bảo lãnh thực hiện đúng theo hợp đồng chứ không trông chờ vào một khoản bồi hoàn tài chính từ phía ngân hàng phát hành bảo lãnh. Nên chức năng đảm bảo thực hiện hợp đồng của bảo lãnh thường được thực hiện hơn chức năng đảm bảo tài chính.

3.4. Chức năng tài trợ

Chức năng này được thể hiện rõ nét trong việc cấp bảo lãnh cho người xin bảo lãnh. Không phải bất cứ yêu cầu bảo lãnh nào cũng được ngân hàng chấp nhận, nó còn phụ thuộc và nhiều điều kiện cụ thể.

Do đó bảo lãnh có chức năng tài trợ gián tiếp để các doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện các giao dịch, được nhận các khoản tiền ứng trước, nhận được các khoản tín dụng hàng hoá và tín dụng tiền tệ. Bên cạnh đó, do bảo lãnh chủ yếu được sử dụng trong các hợp đồng thi công và thậm chí một số hợp đồng buôn bán lớn, có tính phức tạp như các hợp đồng bảo lãnh liên quan đến các công trình xây dựng lớn, hay các mua bán vật tư, thiết bị sản xuất theo phương thức trả chậm với các đối tác quốc tế…

Hầu hết các hợp đồng này đều đòi hỏi phải có một khoảng thời gian dài mới hoàn tất. Nên Người được bảo lãnh sẽ gặp nhiều rủi ro và gặp nhiều rủi ro về tài chính, cho nên khi một ngân hàng đứng ra phát hành bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh hoàn tiền ứng trước, bảo lãnh vay vốn cho Người được bảo lãnh đồng nghĩa với việc ngân hàng cung cấp một công cụ tài trợ, giúp Người được bảo lãnh có được khoản tài trợ ngắn hạn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Qua đây onlinebank hi vọng sẽ cung cấp đủ các thông tin cần thiết về bảo lãnh vay vốn ngân hàng cho các bạn để thuận tiện trong việc đưa ra quyết định lựa chọn hình thức bảo lãnh sao cho phù hợp và đạt được hiệu quả mà các bạn mong muốn.

×

    ---------------------------------------------------------

    Chọn nhu cầu của bạn ở đây:

    ---------------------------------------------------------

    Nơi ở hiện tại:

    Câu hỏi bảo mật :

    Liên hệ tư vấn
    ×

      Báo lỗi:

      Câu hỏi bảo mật :

      Report

      So sánh

      Onlinebank.com.vn là website so sánh tài chính như các khoản vay, bảo hiểm, thẻ tín dụng ... giúp khách hàng lựa chọn được sản phẩm tốt, phù hợp nhu cầu của mình dựa trên các tiêu chí khác nhau của từng sản phẩm.
      Follow Us

      Liên kết: Hayhomes.com | CardTOT | Tin tức BĐS | Mua sắm Hayhomes

      Onlinebank
      Logo
      So sánh
      • Total (0)
      So sánh
      0