eKYC – Nền tảng đầu tiên để phát triển Ngân hàng số tại Việt Nam

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, ngành Ngân hàng đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, đòi hỏi sự chuyển đổi theo hướng số hóa tự động, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, lấy khách hàng làm trung tâm, giúp các ngân hàng phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh. Trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng, việc thực hiện nhận biết danh tính khách hàng bằng phương thức điện tử (Electronic Know Your Customer – eKYC) trong thiết lập mối quan hệ lần đầu với khách hàng được xem là nền tảng đầu tiên để phát triển mô hình ngân hàng số. Bài viết sẽ khái quát một số nội dung cơ bản về eKYC tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam trong thời gian qua, từ đó gợi ý một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động này trong thời gian tới.

1. Đặt vấn đề 

eKYC là việc nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử. Đơn giản hơn, thay vì nhận biết khách hàng bằng cách gặp mặt trực tiếp, đối chiếu giấy tờ tùy thân như trước đây, eKYC sẽ định danh khách hàng từ xa bằng phương thức điện tử dựa trên công nghệ như xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng qua trí tuệ nhân tạo (AI), đối chiếu thông tin cá nhân được liên thông với cơ sở dữ liệu tập trung định danh khách hàng,… mà không cần gặp mặt trực tiếp.
Với eKYC, khách hàng không cần trực tiếp đến ngân hàng mà vẫn có thể thực hiện quy trình định danh ở bất cứ đâu, thông qua cuộc gọi Video call, nhờ đó, các ngân hàng sẽ có nhiều cơ hội mở rộng thị trường và không bỏ lỡ nhiều khách hàng như trước đây. Theo đó, eKYC là hoàn toàn tự động, không cần bất kỳ sự can thiệp thủ công nào. Quá trình xác minh bình thường dựa trên giấy có thể mất vài ngày đến vài tuần, nhưng quy trình eKYC chỉ mất vài phút để xác minh và phát hành. Nhờ vậy, eKYC giúp tiết kiệm nhiều chi phí hoạt động cho các ngân hàng cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí cho khách hàng.
Không chỉ trong hoạt động ngân hàng mà cả trong các hoạt động tài chính cũng rất quan tâm đến quá trình eKYC để tránh và phòng ngừa các rủi ro mà khách hàng gây ra hoặc xảy ra dù là chủ quan hay khách quan. Xác định danh tính khách hàng là khâu đầu tiên trong tất cả các hoạt động tài chính, ngân hàng vì trước khi cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng thì các ngân hàng hay công ty tài chính phải biết rõ thông tin về khách hàng của mình, sau đó đưa vào hệ thống quản lý và phục vụ cho công tác giám sát về sau tốt hơn. Qua đó, góp phần nâng cao công tác phòng, chống rửa tiền, đặc biệt là các giao dịch trái phép, các dòng tiền không rõ nguồn gốc sẽ được tìm hiểu rõ và ngăn chặn kịp thời.
Đối với ngành Ngân hàng, xác định danh tính khách hàng không chỉ dừng lại ở việc giúp các ngân hàng biết rõ thông tin, nhu cầu của khách hàng mà còn là quá trình để ngân hàng có những thông tin cần thiết, căn cứ pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng và cả ngân hàng.

2. Hành lang pháp lý tạo điều kiện đẩy mạnh triển khai eKYC

Nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai eKYC, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 sửa đổi Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Theo đó, các ngân hàng được quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Căn cứ nguyên tắc, định hướng trên, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN ngày 04/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó bổ sung quy định, hướng dẫn về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (sau đây gọi tắt là Thông tư 16).
eKYC - Nền tảng đầu tiên để phát triển Ngân hàng số tại Việt Nam
Thông tư 16 có hiệu lực từ ngày 05/3/2021, cho phép áp dụng thanh toán bằng phương thức điện tử trong hoạt động mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Quy định về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử tại Thông tư 16 được xây dựng trên cơ sở phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền, phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ của các ngân hàng trên thế giới và ở Việt Nam; đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các tổ chức tín dụng trong quá trình chuyển đổi số; tăng khả năng tiếp cận khách hàng mới, thuận tiện hơn với chi phí thấp hơn, góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia.
Thông tư 16 có nhiều điểm mới quy định về số dư trên tài khoản thanh toán, hồ sơ mở tài khoản thanh toán cũng như các quy định về thủ tục mở tài khoản thanh toán… trên nguyên tắc chung về quản lý rủi ro, hạn mức giao dịch và đối tượng khách hàng. Trong đó, đáng chú ý nhất là bổ sung Điều 14a quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng eKYC.
Cụ thể, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng eKYC phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, thủ tục mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử phù hợp với các quy định của pháp luật. Ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng, phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có).
Tuy nhiên, NHNN cũng đưa ra một loạt yêu cầu tối thiểu bắt buộc các ngân hàng phải đáp ứng như: Phải có giải pháp về công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự trùng khớp giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ tùy thân của khách hàng theo quy định.
Về hạn mức giao dịch, Thông tư 16 quy định, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ điều kiện công nghệ để đánh giá rủi ro, xác định phạm vi sử dụng và quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán của khách hàng mở bằng eKYC, nhưng phải đảm bảo tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng/khách hàng. Tuy nhiên, các ngân được quyết định áp dụng hạn mức giao dịch qua tài khoản thanh toán mở bằng eKYC cao hơn hạn mức quy định trên với một số trường hợp cụ thể theo quy định.
eKYC được xem là nền tảng đầu tiên để phát triển hoạt động thanh toán số, ngân hàng số. Do đó, Thông tư 16 ra đời được xem là hành lang pháp lý, quy định cụ thể sau thời gian một số ngân hàng tiến hành thử nghiệm cho phép khách hàng mở tài khoản từ xa, thay vì phải đến tận quầy giao dịch.

3. Thực trạng triển khai eKYC tại các NHTM Việt Nam

Hiện nay, tại các NHTM, có nhiều công nghệ áp dụng trong việc mở tài khoản theo phương thức eKYC như ID Card Quality (kiểm tra mức độ phù hợp của ảnh chụp giấy tờ tùy thân); Face Quality (kiểm tra mức độ phù hợp của ảnh chụp Selfie); Face Matching (xác định trùng khớp ảnh khuôn mặt); Face Cross Check (truy xuất ảnh khuôn mặt trùng khớp trong hệ thống cơ sở dữ liệu hình ảnh),… dữ liệu sinh trắc học của khách hàng sẽ được các ngân hàng lưu trữ, bảo mật cùng với các thông tin cá nhân khác. Ngoài ra, công nghệ học máy sẽ tự đọc được sự thay đổi của khách hàng theo thời gian và thông tin nhận diện là các Vector đặc tính trên khuôn mặt, qua thời gian, khuôn mặt thay đổi thì khách hàng không phải cập nhật thường xuyên, trừ các trường hợp thay đổi quá nhiều do phẫu thuật thẩm mỹ.
eKYC - Nền tảng đầu tiên để phát triển Ngân hàng số tại Việt Nam
Từ đầu tháng 7/2020, NHNN đã cho phép khoảng 10 NHTM cổ phần được thí điểm áp dụng eKYC trong hoạt động với yêu cầu phải đảm bảo an toàn, tránh các rủi ro, khi có tình huống xảy ra thì các NHTM phải tự chịu trách nhiệm. Tính đến thời điểm hiện tại đã có một số ngân hàng triển khai khá thành công ứng dụng này.
VPBank là ngân hàng đầu tiên đáp ứng tất cả các quy định và thực hiện triển khai giải pháp eKYC từ đầu tháng 7/2020. Với giải pháp này, cho phép khách hàng của VPBank mở tài khoản thanh toán 100% online để thực hiện giao dịch ngay mà không cần chờ đợi,  có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm/dịch vụ ngân hàng số của VPBank như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, nạp tiền dịch vụ, liên kết ví điện tử,… với hạn mức nộp tiền tối đa 10 triệu/ngày và sẽ hết hạn khi tổng hạn mức nộp tiền đạt 300 triệu đồng. Đến tháng 10/2020, chỉ sau 3 tháng triển khai, VPBank đã có xấp xỉ 15.000 tài khoản đăng ký mới, bằng 50% so với cả năm 2020.
Hành trình số hóa và trải nghiệm khách hàng tiếp tục được VPBank đẩy mạnh và mang lại những kết quả khả quan trong năm 2021. VPBank đã đạt mốc 9 triệu giao dịch/tháng trong tháng 3/2021, cao gấp 2,25 lần so với cùng kỳ năm 2020. Về giá trị giao dịch online đạt 123 nghìn tỷ đồng trong tháng 3/2021, cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
HDBank chính thức áp dụng định danh khách hàng điện tử eKYC từ 01/8/2020. Khách hàng sẽ có ngay tài khoản iMoney trên App HDBank thông qua vài thao tác đơn giản, nhanh chóng với số lượng thông tin cần nhập tối thiểu. Sau khi hoàn tất các bước trong khoảng 2 phút, khách hàng có thể ngay lập tức có thể thực hiện giao dịch trực tuyến với nhiều tính năng như thanh toán hóa đơn và QR Pay, nạp tiền điện thoại, đặt vé máy bay, vé tàu, đặt phòng khách sạn,… theo nhu cầu. Chỉ sau 2 tháng triển khai giải pháp eKYC, HDBank đã có thêm 35.000 khách hàng mới đăng ký iMoney trên App HDBank cùng 15.000 tài khoản đã thực hiện xác thực thông tin trực tuyến. Bên cạnh đó, có 40% khách hàng thực hiện các giao dịch online trên nền tảng ngân hàng số HDBank thường xuyên, nâng tỷ lệ giao dịch tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.
Những tháng cuối năm 2020 và quý I/2021, số lượng khách hàng cũng như doanh số của kênh giao dịch trực tuyến tăng nhanh, cho thấy các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số của HDBank được khách hàng đón nhận.
TPBank đã áp dụng eKYC từ đầu tháng 8/2020, công nghệ này đã cho thấy khả năng tiếp cận khách hàng vượt trội, cũng như những tiện ích chưa từng có, cả về thời gian và chi phí, cho khách hàng khi mở tài khoản. Trong tháng đầu triển khai, công nghệ này đã thu hút gần 30.000 khách hàng đăng ký mở tài khoản mới thông qua phương thức này, tương đương 85% số lượng khách hàng đăng ký mở tại quầy giao dịch hoặc tại LiveBank theo cách truyền thống. Điều đó cho thấy công nghệ này đã nhanh chóng đáp ứng đúng nhu cầu tiện lợi và an toàn của khách hàng. Quan trọng hơn, con số trên cho thấy TPBank có thể dễ dàng tiếp cận, mang dịch vụ ngân hàng đến gần 30.000 khách hàng mới ở khắp mọi miền đất nước mà không phải đầu tư thêm vào việc mở rộng mạng lưới chi nhánh.
Ngân hàng Bản Việt cũng đã triển khai sử dụng giải pháp eKYC để xác thực thông tin khách hàng điện tử cho hệ thống ngân hàng. Dựa trên nền tảng công nghệ AI, Face Matching và nhận diện ký tự quang học OCR nhằm hỗ trợ tối đa khả năng gian lận xảy ra. Qua đó, tỷ lệ khách hàng mới đăng ký tài khoản đến tháng 8/2020 ở ngân hàng này đã tăng gần gấp 3 lần so với tháng 01/2020. Tính đến quý I/2021, tỷ trọng khách hàng sử dụng các dịch vụ, thanh toán qua ngân hàng điện tử/ví chiếm hơn 50%, chuyển tiền chiếm hơn 40% và gửi tiết kiệm chiếm hơn 10%; hơn nữa, cả 3 mảng này đều tăng trưởng mạnh kể từ khi ngân hàng áp dụng eKYC.
NHTM cổ phần Quốc Dân (NCB) đang dần chuyển sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số nhằm đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, trong đó, áp dụng eKYC là dịch vụ nền tảng thiết yếu cho việc phát triển mô hình ngân hàng số. Chỉ với 2 phút, thông qua NCB iziMobile, NCB có thể định danh khách hàng với dịch vụ mở tài khoản thanh toán. Dựa trên nền tảng của các công nghệ hiện đại như: Xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng qua AI, chữ ký điện tử,… Từ đó, tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cho khách hàng và ngân hàng, nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng. Mặc dù mới ra mắt từ tháng 3/2020, ứng dụng NCB iziMobile đã nhận được sự phản hồi tích cực của khách hàng, số lượng đã tăng lên hàng nghìn khách hàng mỗi tháng.
Bên cạnh những thành quả bước đầu đã đạt được của các ngân hàng khi ứng dụng quy trình eKYC vào cung cấp dịch vụ cho khách hàng, vẫn còn những rào cản cần giải quyết như: Do eKYC mới đưa vào triển khai và các ngân hàng còn đang vừa làm, vừa nghe và vừa sửa. Do đó, các ngân hàng cần phải theo dõi sát sao để khắc phục những vấn đề phát sinh để có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình. Chẳng hạn như các sản phẩm, dịch vụ trên tài khoản eKYC còn chưa phong phú bằng tài khoản truyền thống, mà chủ yếu tập trung vào các dịch vụ thanh toán hoặc gửi tiết kiệm, hoặc các ngân hàng còn đưa ra hạn mức giao dịch trong ngày… nên giao dịch qua kênh này chưa cao.
Dù đem lại nhiều lợi ích cho cả khách hàng và tổ chức tài chính, eKYC cũng đặt ra nhiều câu hỏi về tính bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin, giao dịch của người sử dụng. Đặc biệt trong thời gian gần đây, nhiều trường hợp được phản ánh rằng khách hàng không vay nhưng vẫn mắc nợ ngân hàng hay tài khoản ngân hàng bỗng dưng mất tiền dù tài khoản đã thiết lập nhiều phương thức xác thực. Những rủi ro đó buộc các NHTM phải liên tục theo dõi, cập nhật để ngăn chặn kịp thời.
Tại Việt Nam hiện nay, một số biện pháp như chụp chứng minh thư, Video call… đều có thể gặp rủi ro khi gian lận như làm giả chứng minh thư, căn cước công dân…, phương thức xác thực bằng vân tay hiện nay cũng đã bị làm giả. Ngoài ra, bảo mật thông tin khách hàng, cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng rất nhạy cảm, việc giữ thông tin an toàn, bảo mật là vô cùng quan trọng. Trong khi đó, hệ thống cơ sở dữ liệu này thường là mục tiêu của các đối tượng tấn công mạng. Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn thông tin khách hàng còn phụ thuộc nhiều vào đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng.

4. Một số khuyến nghị 

Đối với các NHTM chưa áp dụng eKYC

– Xây dựng, triển khai ngân hàng số theo hướng ưu tiên số hóa các quy trình nghiệp vụ và kênh tiếp cận eKYC càng chi tiết càng tốt nhằm phát huy hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí và rủi ro trong quá trình triển khai thực hiện; chú trọng xây dựng các phương thức phòng tránh rủi ro, chống gian lận và giả mạo.
– Lựa chọn, đánh giá các công nghệ tích hợp từ bên thứ 3 cùng với chuyên gia. Giải pháp eKYC bắt buộc phải được tích hợp công nghệ OCR, Liveness Detection, Face Matching… từ các nhà cung cấp. Do đó, các NHTM cần một chuyên gia về giải pháp đã từng triển khai tích hợp để tư vấn, đánh giá xem hệ thống hiện tại có phù hợp để tích hợp các công nghệ mới vào hay không.
– Xây dựng nhóm, đội ngũ chuyên biệt cho việc phát triển giải pháp eKYC với các nhiệm vụ sau: Xây dựng kịch bản eKYC, mô tả yêu cầu chi tiết đối với quy trình eKYC; đánh giá và thiết kế lại hệ thống hạ tầng hiện tại; thiết kế UX/UI; lập trình; thử nghiệm và quản lý dự án.

Đối với các NHTM đã và đang áp dụng eKYC

– Xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro, ngăn chặn các hành vi mạo danh, can thiệp, chỉnh sửa… Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu…
– Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng do các NHTM cung ứng. Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ ngân hàng số phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
– Tăng cường nhân sự và các biện pháp rà soát, kiểm tra, đối chiếu nhằm đảm bảo khách hàng được định danh điện tử tuân thủ các quy định về sử dụng tài khoản thanh toán và đảm bảo khách hàng thực hiện giao dịch là chủ tài khoản thanh toán.
Trong trường hợp phát hiện quy trình không đảm bảo an toàn, bảo mật hoặc có sự cố trong quá trình mở tài khoản thanh toán cần kịp thời từ chối, dừng quy trình mở tài khoản đang thực hiện và hướng dẫn khách hàng thực hiện trực tiếp tại quầy. Đồng thời, tạm ngừng cung cấp dịch vụ mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử cho đến khi khắc phục sự cố.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
So sánh tài chính
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0