Bancassurance được xem là kênh phân phối tiềm năng cho các sản phẩm bảo hiểm trong vài năm gần đây. Vậy Bancassurance là gì, lợi ích mang về từ Bancassurance như thế nào mà được đánh giá là tiềm năng, và liệu hiện nay tại các ngân hàng đang hoạt động Bancassurance thế nào? Hãy tham khảo ngay nội dung thông tin trong bài viết dưới đâ nhé.
Bancassurance là gì?
Bancassurance (banca + assurance) là một thuật ngữ tiếng Pháp, kết hợp giữa “ngân hàng” và “bảo hiểm”. Bancassurance là mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng.
Bạn có thể hiểu đơn giản là ngân hàng bán sản phẩm bảo hiểm. Và khi đó ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ chia sẻ hoa hồng. Chính sách bảo hiểm được xử lý và quản lý bởi các công ty bảo hiểm.
Bancassurance phát triển đầu tiên ở Mỹ và các nước châu Âu. Hiện nay thì Bancassurance được đánh giá là một trong những kênh phát triển nhanh nhất ở hầu hết thị trường châu Á, đồng thời là kênh phân phối hàng đầu trong thị trường bảo hiểm.
Những liên kết có tiếng tại thị trường Việt Nam như Manulife & Techcombank (độc quyền 15 năm), Bảo Việt & Agribank, Prudential & VIB (độc quyền 15 năm), MB Ageas Life & MB Bank, Daiichi Life & Sacombank. Thêm vào đó, trên thị trường còn có những mối hợp tác hứa hẹn nhiều thú vị như AIA & VPBank (độc quyền 15 năm).
Hình thức
Bancassurance có thể được hình thành theo các cách sau:
- Thỏa thuận phân phối: Bên ngân hàng kí thỏa thuận phân phối sản phảm với công ty bảo hiểm và đóng vai trò là người đại diện bán hàng hoặc mối giới bảo hiểm cho công ty bảo hiểm.
- Đồng minh chiến lược: Hai bên ngân hàng và công ty bảo hiểm sẽ nắm giữ cổ phần của nhau
- Liên doanh: Ngân hàng và công ty bảo hiểm cùng thành lập một công ty bảo hiểm mới để cùng kinh doanh
- Ngân hàng mua toàn bộ hoặc một phần công ty bảo hiểm hoặc ngược lại; Ngân hàng thành lập một công ty bảo hiểm mới.
Lợi ích mang lại từ Bancassurance đối với ngân hàng
Sự ra đời của Bancassurance giúp ngân hàng tăng doanh thu từ việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng mua bảo hiểm, do đã làm thay đổi thói quen về nhu cầu của khách hàng.
Đồng thời ngân hàng còn có thể thông qua mối quan hệ dài hạn với khách hàng, cơ sở khách hàng và hệ thống phân phối hiện thời để tạo ra lợi thế so với kênh phân phối khác trong việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhằm tạo ra thu nhập ổn định.
Cũng một phần do tác động cạnh tranh làm giảm biên lợi tức của cả hai bên nên ngân hàng và cả công ty bảo hiểm cũng cần phải đa dạng hóa sản phẩm, kênh phân phối để tăng năng suất và tạo ra được ưu thế cạnh tranh.
Điểm sáng từ Bancassurance tại các ngân hàng hiện nay như thế nào?
Báo cáo tài chính quý III của BIDV ghi nhận dịch vụ bảo hiểm tăng 60%, MSB có thu nhập từ dịch vụ lũy kế hết quý III/2021 đạt 2.448 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ, đóng góp chính là nguồn thu từ hoạt động bancassurance. Thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của MB trong 9 tháng qua đạt hơn 5.656 tỷ đồng, chiếm 66% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ – tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng năm 2021 của Techcombank ghi nhận thu từ bancassurance đạt hơn 710 tỷ đồng – tăng 31%, SeABank thu từ hoa hồng môi giới bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 186 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước ở mức 106 tỷ đồng…
Thu nhập từ bancassurance cũng được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng ở nhiều ngân hàng thời gian tới. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo trong quý IV, nhiều khả năng Vietcombank sẽ ghi nhận khoảng 850 tỷ phí trả trước hợp đồng bancassurance, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh so với quý III/2021. Trong khi ông Trần Minh Bình – Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, năm 2022 VietinBank dự kiến ghi nhận thu nhập từ hợp đồng bancassurance với Manulife trong quý I/2022.
Nhiều năm trở lại đây, bancassurance trở thành một kênh phân phối chính và đóng góp tỷ trọng ngày càng cao bên cạnh các kênh phân phối bảo hiểm truyền thống khác. Song theo một chuyên gia tài chính – ngân hàng, thực tế là các sản phẩm được bán qua kênh bancassurance hiện tại chủ yếu mới chỉ là các sản phẩm đơn giản, có sẵn của doanh nghiệp bảo hiểm; các sản phẩm riêng, đặc thù cho kênh bancassurance còn hạn chế. Chuyên gia này cho rằng, việc thiết kế sản phẩm bảo hiểm cần gắn với xu hướng cá thể hoá sản phẩm tài chính để làm sao phù hợp nhất với từng nhóm đối tượng khách hàng; có thể tạo ra gói sản phẩm gồm dịch vụ ngân hàng và bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng…
Đặc biệt, sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện nay đã và đang dần chuyển sang môi trường số, giao dịch trực tiếp phổ biến như trước nữa, nên cần bước đi thích hợp chuyển đổi số, tiến tới số hoá hoạt động bancassurance. Đại diện một NHTM cho hay, số hoá kênh bancassurance sẽ tập trung vào mảng phân phối, nâng cao dịch vụ khách hàng thông qua kênh điện tử; tăng cường khả năng giao tiếp đa kênh với khách hàng; cá nhân hoá sản phẩm dịch vụ bảo hiểm dựa trên phân tích dữ liệu khách hàng.
Đơn cử như với việc tăng khả năng giao tiếp đa kênh với khách hàng, hiện nay bên cạnh chú trọng kênh số thì việc cung cấp sản phẩm bancassurance qua kênh truyền thống cũng phải được cải thiện. Đặc biệt lưu ý tới việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ tư vấn viên. Kênh số giúp đơn giản hoá thủ tục, quy trình, tự động trả lời những thắc mắc thường gặp của khách hàng, đội tư vấn viên sẽ đóng vai trò trong việc giải thích cặn kẽ, tỉ mỉ hơn những khiếu nại, thắc mắc của khách hàng liên quan tới những trường hợp hiếm gặp. Nhờ đó mà trải nghiệm của khách hàng khi tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm sẽ được cải thiện rất nhiều, ngay từ khâu tiếp nhận thông tin sản phẩm, hoàn thiện thủ tục mua bán tới dịch vụ chăm sóc khách hàng hậu mãi…
Việc đầu tư cho quá trình truyền thông, đào tạo, hỗ trợ khách hàng; hay thiết kế tổng thể cấu trúc công nghệ thông tin tích hợp các hệ thống quản lý; phát triển nhân sự công nghệ thông tin, bán hàng… đều là những yếu tố hỗ trợ cho hoạt động bancassurance triển khai hiệu quả.
Thêm nữa, để có thể phát triển mạnh mẽ hơn lĩnh vực này thì khung khổ pháp lý vẫn cần tiếp tục hoàn thiện. ThS. Phạm Xuân Hoè, chuyên gia ngân hàng cho rằng nên xem xét bổ sung quy định về các sản phẩm bảo hiểm được phân phối qua kênh bancassurance, bổ sung quy định về phương thức tư vấn, bán bảo hiểm; hay số lượng nhân viên, địa điểm bán bảo hiểm (nếu cần); quy trình bán bảo hiểm của TCTD…
Những vấn đề như quy định giới hạn số lượng doanh nghiệp bảo hiểm mà mỗi TCTD có thể thoả thuận hợp tác phân phối bảo hiểm, hay mức chi phí tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thể chi trả cho TCTD, bổ sung quy định đảm bảo quyền tiếp cận đa dạng các sản phẩm bảo hiểm cho đối tượng khách hàng của các TCTD; bổ sung quy định trách nhiệm và quản lý nhân viên TCTD trực tiếp bán bảo hiểm… cũng được chuyên gia này đề cập tới.
Theo Thời Báo Ngân Hàng
>>>Xem thêm bài viết: Room tín dụng là gì? Các tính Room tín dụng ngân hàng – Onlinebank <<<