Khi nói đến quản lí tiền bạc, bạn có thể đã nghe thấy rất nhiều quy tắc và lời khuyên nhưng trong đó, một số lầm tưởng có thể khiến bạn làm mãi mà không giàu.
Những lời khuyên, nguyên tắc quản lí tài chính cá nhân phổ biến thường là: “Hãy tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được”; “Hãy bắt đầu tiết kiệm sớm để nghỉ hưu”; “Bám sát vào kế hoạch ngân sách”.
Theo CNN, tất cả chúng đều đã được chứng thực là hữu ích. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều quan niệm sai lầm ngoài kia về tiền bạc, ngăn cản con đường làm giàu của bạn.
4 lầm tưởng lớn về tiền bạc
1. Tất cả nợ đều xấu
Nợ nần khiến tình hình tài chính của một người, một doanh nghiệp trở nên tồi tệ và chúng ta thường được khuyên rằng hãy tránh mắc nợ bằng mọi giá. Nhưng không phải tất cả các món nợ đều là “nợ xấu”
“Nợ tốt”
Trên thực tế vẫn có một thứ gọi là “nợ tốt” – món nợ có lãi suất thấp, giúp bạn xây dựng sự giàu có theo thời gian. Ý tưởng đằng sau khoản nợ tốt là nó sẽ mang lại giá trị trong tương lai, giống như vay thế chấp hoặc vay tiền học đại học.
“Nợ xấu”
Trong khi đó “nợ xấu” – giống như thẻ tín dụng có lãi suất cao – có thể nhanh chóng đưa bạn vào một lỗ hổng tài chính và rõ ràng khoản tiền bạc bạn kiếm được sẽ không đủ, luôn thiếu thốn, luôn bị âm.
Michael Resnick, nhà hoạch định tài chính được chứng nhận và cố vấn quản lí tài sản cấp cao tại GCG Financial cho biết:
“Nợ thẻ tín dụng là một trong những điều nguy hiểm nhất… tệ hơn là đầu tư kém hoặc không tiết kiệm tiền quá mức”. Và ngay cả khi có một khoản nợ tốt, bạn cũng không nên để bản thân sa vào quá mức. Nó vẫn có thể trở thành vấn đề nếu bạn không đủ khả năng thanh toán.
Nợ đóng một vai trò trong việc xác định điểm tín dụng của bạn, mà người cho vay sử dụng để đánh giá rủi ro tín dụng của bạn và mức lãi suất bạn sẽ phải trả. Điểm càng cao, điều khoản càng tốt, giúp bạn tiết kiệm tiền lãi (lãi xuất thấp hơn), dần dần, bạn sẽ càng tích lũy được nhiều tiền bạc hơn.
2. Thuê nhà giống như “ném tiền qua cửa sổ”
Mua nhà có thể giúp xây dựng sự giàu có vì bạn hi vọng sẽ xây dựng được vốn chủ sở hữu theo thời gian. Tuy nhiên, việc trở thành chủ nhà không phải lúc nào cũng có ý nghĩa về mặt tài chính hay giúp bạn có thêm tiền bạc.
Trina Patel, một nhà quản lí tư vấn tài chính tại ứng dụng quản lí tiền Albert cho biết:
“Mua nhà có thể là một khoản đầu tư tuyệt vời trong dài hạn, nhưng nó không thực sự phù hợp với tất cả mọi người. Quá trình mua nhà đi kèm với nhiều chi phí trả trước cũng như các chi phí ngoài thế chấp, thuế tài sản, bảo hiểm và nhiều khoản sửa chữa. Đối với những người chỉ định sống trong một khu vực trong vài năm, việc thuê nhà có thể có ý nghĩa hơn về mặt tài chính”.
Resnick nói thêm:
“Tại sao phải chấp nhận rủi ro thực sự mất đi kha khá tiền bạc đối với tài sản trong ngắn hạn, chưa kể đến chi phí giao dịch mua và bán?”,
3. Bạn sẽ tiêu ít tiền hơn khi nghỉ hưu
Trên thực tế, nghỉ hưu cũng có thể khiến bạn tiêu tốn rất nhiều tiền bạc.
Có một nguyên tắc chung là bạn nên đặt mục tiêu có khoảng 80% mức lương trước khi nghỉ hưu hàng năm của mình. Ý tưởng là bạn sẽ không cần phải tiết kiệm nữa, thế chấp của bạn sẽ được trả hết, hoặc bạn sẽ chi tiêu ít hơn nếu bạn không đi làm hàng ngày, hoặc suy nghĩ cứ thế trôi qua nhưng đối với một số người, lối sống khi nghỉ hưu của họ có thể còn tốn kém hơn cả những năm làm việc.
Chad Chase, quản lí dịch vụ khách hàng tại công ty tư vấn đầu tư Garrett Investment Advisors cho biết:
“Chúng tôi có một số khách hàng chi tiêu nhiều tiền hơn khi nghỉ hưu vì cuối cùng họ cũng có thời gian để đi du lịch hoặc muốn mua nhà, muốn giúp đỡ kinh phí học đại học của các cháu”.
4. Thật thô lỗ khi nói về tiền bạc
Đối với một số người, nói về tiền bạc được coi là điều cấm kị. Thế nhưng, nói chuyện trung thực về tiền bạc với vợ chồng, với gia đình của bạn cũng có thể giúp thiết lập kì vọng chi tiêu và tiết kiệm.
Patel nói: “Nếu bạn có con, hãy luôn theo dõi chúng và dạy chúng sớm nhất có thể về cách quản lí tiền bạc. Các cuộc nói chuyện về tiền bạc giữa các đồng nghiệp của bạn tại nơi làm việc và bạn bè của bạn cũng có thể có lợi. Chia sẻ mức lương của bạn (hoặc phạm vi nếu bạn không hoàn toàn thoải mái khi đưa ra một con số chính xác) có thể giúp xác định chênh lệch lương và tìm ra cách cải thiện”.
Trao đổi về các mẹo lập ngân sách và tiết kiệm giữa những người bạn có thể giúp quá trình này có vẻ ít đáng sợ hơn, đồng thời làm sáng tỏ các công cụ và thủ thuật để giúp mọi người củng cố chỗ đứng tài chính của mình.
Patel kết luận: “Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau khi bắt đầu nói về tiền bạc. Khi bạn đã đề phòng tất cả, bạn sẽ không biết những gì bạn không biết hoặc những gì bạn có thể làm”.