Vay khi nguồn thu không rõ ràng và cách chuẩn bị hồ sơ

Onlinebank sẽ hướng dẫn các bạn chuẩn bị hồ sơ vay khi nguồn thu không rõ ràng. Hai yếu tố quan trọng nhất Ngân hàng đánh giá đối với một khách hàng vay vốn (đặc biệt là Khách hàng cá nhân) là Tài sản đảm bảo và Nguồn trả nợ. Tất nhiên ngoài hai yếu tố này thì Ngân hàng vẫn còn đánh giá các yếu tố khác nữa như Tư cách khách hàng, Tính khả thi của phương án sử dụng vốn, Lịch sử tín dụng ….

Sở dĩ Ngân hàng đáng giá rất cao khả năng trả nợ của khách hàng là vì khả năng trả nợ của khách hàng quyết định phần lớn “chất lượng tín dụng” của Ngân hàng, nếu khả năng trả nợ kém, khách hàng không có khả năng trả đủ, đúng như kỳ hạn đã quy định trong tương lai thì Khách hàng sẽ bị nợ quá hạn, nợ xấu dẫn đến hàng loạt các hệ lụy, biện pháp Ngân hàng phải sử dụng cho việc đòi nợ sau này.

Vay khi nguồn thu không rõ ràng. Tại sao lại như vậy?

Nếu khách hàng làm công ăn lương, công việc ổn định, dài hạn ở những doanh nghiệp lớn, có tiếng tăm thì không nói làm gì rồi, việc chứng mình nguồn thu nhập sẽ vô cùng đơn giản, chỉ cần Hợp đồng lao động (còn thời hạn), sao kê lương qua tài khoản Ngân hàng 03 tháng gần nhất là xong.

chuẩn bị hồ sơ vay nguồn thu nhập không rõ ràng

Nhưng nếu, khách hàng không thuộc đối tượng “thuận lợi” như trên thì sao? Sẽ vất vả hơn khá nhiều khi chuẩn bị hồ sơ chứng minh nguồn thu nhập đủ để trả nợ. Sau đây, bài viết sẽ nêu, phân tích và hướng dẫn một số nguồn trả nợ đặc thù theo từng đối tượng khách hàng (cá nhân) thường gặp:

1. Đối tượng thứ nhất: Đi làm cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp nhỏ, không ký Hợp đồng lao động, trả lương bằng tiền mặt

Vì một số lý do nào đó (xin miễn phân tích) mà doanh nghiệp nơi bạn đang làm việc chỉ trả lương bằng tiền mặt, thậm chí không ký Hợp đồng lao động thì đây là thiệt thòi lớn của bạn khi đi vay Ngân hàng. Khi Ngân hàng yêu cầu Hợp đồng lao động, bạn có thể “nhờ” doanh nghiệp ký cho Hợp đồng lao động, nhưng sao kê lương qua Ngân hàng thì chắc chắn không. Nếu lấy phiếu chi lương hàng tháng của chính công ty thì mức độ tin cậy sẽ thấp, Ngân hàng sẽ đánh giá không cao.

Vậy trong trường hợp này, nếu có ý định vay vốn Ngân hàng thì nên chuẩn bị từ trước đó 03 tháng, yêu cầu chủ sử dụng lao động ký Hợp đồng lao động và chuyển khoản lương của bạn qua Ngân hàng. Nếu được như vậy, chắc chắn hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều.

2. Đối tương thứ hai: Tự mở công ty và làm chủ doanh nghiệp

  • Trường hợp này, nếu bạn đưa cho Ngân hàng Hợp đồng lao động và sao kê lương chuyển khoản qua Ngân hàng của bạn thì Ngân hàng họ cũng không “vội tin” đâu (đặc biệt nếu bạn lại thay sao kê lương chuyển khoản qua Ngân hàng bằng phiếu chi lương tiền mặt thì mức độ tin cậy càng thấp).
  • Trường hợp này, bạn nên chuẩn bị sẵn Đăng ký kinh doanh của Công ty bạn, Báo cáo tài chính quý/kỳ gần nhất, năm gần nhất, báo cáo thuế, một số hóa đơn GTGT, hợp đồng kinh tế đầu ra đầu vào để chứng minh rằng doanh nghiệp của bạn hoạt động liên tục, ổn định và có khả năng trả lương cho bạn.
  • Đừng ca thán rằng bạn chỉ vay cá nhân sao Ngân hàng lại yêu cầu hồ sơ Doanh nghiệp, lý do rất đơn giản, doanh nghiệp là của bạn, doanh nghiệp phải “sống khỏe” thì bạn mới “sống khỏe” ở thì hiện tại và tương lai được. Vì vậy hãy chuẩn bị kỹ nhất có thể để hồ sơ của bạn hoàn chỉnh nhất.

3. Đối tượng thứ ba: Buôn bán nhỏ lẻ, có hoặc không có đăng ký kinh doanh

Bạn có thể là người bán tạp hóa, bán hàng ở chợ, bán quán cơm bình dân, quán ốc vỉa hè ….Thực tế thì theo thói quen kinh doanh, hầu như việc kinh doanh như thế này có rất ít hồ sơ chứng từ.

Tuy nhiên, nếu bạn xác định đi vay vốn Ngân hàng thì thật sự bạn phải tự chuẩn bị cho mình lượng hồ sơ nhất định, chí ít phải chứng minh được rằng bạn đang kinh doanh thật, có lợi nhuận, đủ khả năng trả nợ. Vì đơn giản Nhân viên Ngân hàng đi thẩm định bạn không phải là người quyết định cuối cùng việc có cho bạn vay hay không, quyền quyết định thuộc về lãnh đạo của họ nên nhân viên họ cần hồ sơ để chứng minh với lãnh đạo của họ bạn đủ khả năng trả nợ.

Trong trường hợp vay khi nguồn thu không rõ ràng này thì chứng từ bạn cần tự chuẩn bị bao gồm:

  • Hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh (nếu đi thuê), nếu trước đây “thuê miệng” thì nay bạn nên nhờ người cho thuê viết và ký cho bạn một cái hợp đồng cho thuê (viết tay đơn giản thôi cũng được, miễn sao thế hiện được bên cho thuê, bên đi thuê (là bạn), thời hạn thuê, số tiền thuê …). Còn nếu bạn kinh doanh ở nhà bạn thì thuận rồi, chỉ cần photo sổ đỏ nhà bạn đứng tên vợ chồng bạn là được, nhà chưa có sổ thì thay thế bằng giấy tờ bất kỳ, còn nếu nhà không có giấy tờ gì (ở chui) thì Ngân hàng cũng không tin tưởng nguồn thu của bạn đâu, vì “làm chui” quan điểm là khó bền vững trong tương lai.
  • Tiếp theo đó là sổ sách bán hàng, bình thường bạn có thể dùng trí nhớ của mình để quản lý công việc kinh doanh, nhưng đã xác định đi vay Ngân hàng thì không biện minh kiểu đấy được, bạn nên tập thói quen quản lý trên sổ sách, chí ít là công nợ, nhập vào bán ra mỗi ngày… Số này giúp Ngân hàng nhìn thấy được bạn hoạt động thật sự và Ngân hàng cũng đánh giá cao hơn những khách hàng có quản lý hoạt động kinh doanh bằng sổ sách, chứng từ.
  • Tiếp đến, hãy giữ lại bất kỳ hóa đơn gì liên quan đến việc kinh doanh của bạn, từ hóa đơn tiền điện, nước đến hóa đơn, phiếu nhập hàng, xuất hàng, tất tần tật đừng vứt đi cái gì.

4. Đối tượng thứ tư: Có nguồn thu từ cho thuê nhà trọ, thuê tài sản khác

Trường hợp bạn có nguồn thu từ cho thuê nhà trọ, cho thuê tài sản cũng không quá khó khăn để chứng minh chúng, nguyên tắc là bạn chỉ cần chứng minh được (bằng giấy tờ) tài sản bạn cho thuê là của bạn và số tiền bạn cho thuê được hàng tháng.

  • Theo nguyên tắc này, bạn chỉ cần có sổ đỏ nhà cho thuê đứng tên bạn hoặc vợ/chồng bạn. Trường hợp nhà cho thuê không đứng tên bạn cũng không sao, người đứng tên trên sổ có giấy chuyển giao quyền quản lý và thụ hưởng thu nhập từ cho thuê tài sản là được (công chứng thì càng tốt).
  • Tiếp đó, bạn sẽ cần đến sổ sách theo dõi người thuê nhà, theo dõi đóng tiền nhà hàng tháng, hợp đồng cho thuê nhà, CMND của những người thuê nhà (đã từng thuê nhà) bản photo và nhớ giữ lại hóa đơn điện, nước của cả ngôi nhà bạn cho thuê nếu bạn cho thuê theo mô hình nhà trọ sinh viên. Trường hợp bạn cho thuê nhà, nhận tiền thuê qua Ngân hàng thì dễ rồi, chỉ cần in sao kê tài khoản nhân tiền (ra Ngân hàng báo Ngân hàng in giúp) là được, không cần gì thêm.

Tương tự như vậy đối với các tài sản thuê khác như oto, máy móc thiết bị, nhà xưởng …

5. Đối tượng thứ năm: Nguồn thu nhập tiền mặt từ nhận khoán công trình

Trường hợp này thường có trong lĩnh vực xây dựng khi người trưởng nhóm nhận khoán cả công trình sau đó tự thuê nhân công về thi công. Trường hợp này bạn chỉ cần chuẩn bị hợp đồng khoán gọn, biên lai nhận tiền từ chủ đầu tư công trình các công trình đã, đang thực hiện là được. Nếu hình thức của bạn là khoán gọn tất cả bao gồm cả việc mua vật tư vật liệu, thuê nhân công thì hãy giữ lại tất cả các biên lai mua vật tư vật liệu, bảng chấm công nhân công, bảng trả lương cho thợ có đầy đủ chữ ký của thợ là được.

6. Đối tượng thứ sáu: Nguồn thu từ góp vốn, kinh doanh cổ phiếu, chơi chứng khoán…

Nếu bạn kinh doanh qua công ty môi giới thì đơn giản rồi, bạn chỉ cần sao kê tài khoản tại công ty môi giới, tài khoản Ngân hàng của bạn là được. Còn trường hợp có nguồn thu từ cổ tức thì cần sao kê nhận tiền, biên bản họp của công ty góp vốn quyết định tỷ lệ chia cổ tức … Trường hợp bạn là cổ đông lớn, sở hữu 20% – 30% doanh nghiệp trở lên thì bạn cần thêm chứng từ chứng minh kết quả hoạt động kinh doanh của công ty như Báo cáo tài chính, Báo cáo thuế, Đăng ký kinh doanh…

Về cơ bản nguồn thu của Khách hàng cá nhân khá đa dạng nên với mỗi khách hàng cụ thể Nhân viên Ngân hàng sẽ có những hướng dẫn riêng. Nếu bạn là một trong những đối tượng phía trên thì bạn có thể tham khảo để chủ động hơn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, lập phương án vay vốn cho bản thân và gia đình.

Tổng hợp
So sánh tài chính
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0