20 ngân hàng có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt hơn 4.200 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 32% so với cùng kỳ – cho thấy đây vẫn là mảng kinh doanh hấp dẫn.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, 20 ngân hàng đã công bố BCTC gồm Vietcombank, BIDV, Sacombank, ACB, MBB, VPBank, Techcombank, HDBank, ABBank, VietCapitalBank, SeABank, VietBank, Saigonbank, Kienlongbank, Bac A Bank, TPBank, VietABank, LienVietPostBank, VIB, NCB có lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 4.293 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Riêng quý 3, 20 ngân hàng này có lãi 1.290 tỷ đồng từ kinh doanh ngoại hối.
Trong đó, 16/20 nhà băng có tăng trưởng dương ở mảng kinh doanh ngoại hối trong 9 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng còn tăng trưởng rất cao trên 100%. Chẳng hạn, VPBank cùng kỳ năm ngoái bị lỗ tới 43 tỷ thì 3 quý đầu năm nay có lãi tới 251 tỷ đồng; VietCapitalBank hoạt động kinh doanh ngoại hối có lãi 115 tỷ (tăng gần 3 lần) là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận. BIDV, một trong những ngân hàng có thị phần lớn nhất trên thị trường ngoại hối cũng có tăng trưởng lãi kinh doanh ngoại hối tới 55% đạt 797 tỷ đồng.
BCTC các ngân hàng hợp nhất quý 3/2018. Đơn vị: tỷ đồng
Bên cạnh những ngân hàng tăng trưởng cao, Vietcombank, Sacombank, BacABank và LienVietPostBank lại giảm so với cùng kỳ, riêng LienVietPostBank còn bị lỗ gần 7 tỷ.
Dù bị giảm 6% so với cùng kỳ, Vietcombank vẫn có mức lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt hơn 1.600 tỷ đồng, bỏ xa loạt ngân hàng phía sau. Nhiều năm trở lại đây, Vietcombank vẫn thường được xem là “một mình một chợ” trong hoạt động kinh doanh ngoại hối với thị phần cách biệt.
Nhóm ngân hàng Việt có thị phần lớn sau Vietcombank còn có thể kể đến BIDV, VietinBank, Sacombank, Techcombank, ACB, MBB, Eximbank và VPBank cũng đang manh nha gia nhập, cạnh tranh.
Tại VPBank, kinh doanh ngoại hối vốn không phải là thế mạnh của nhà băng này ở nhiều năm trước khi thường xuyên bị lỗ nặng: năm 2017 bị lỗ 159 tỷ, năm 2016 lỗ 319 tỷ, năm 2015 lỗ 290 tỷ. Tuy nhiên VPBank đang có bước thay đổi mạnh mẽ trong năm 2018 khi không chỉ thoát lỗ mà còn có lãi tới 251 tỷ trong 9 tháng đầu năm ở mảng kinh doanh này. Kinh doanh ngoại hối thậm chí còn trở thành một trong những yếu tố cứu cánh cho tăng trưởng lợi nhuận ở nhà băng này khi thu nhập từ tín dụng tăng chậm lại, hoạt động dịch vụ và mua bán chứng khoán sụt giảm.
Ngoài Vietcombank, khoảng 5-6 ngân hàng phía sau có thị phần không quá cách biệt nhau: Sacombank đạt lãi 313 tỷ, ACB đạt 308 tỷ, MBB đạt 302 tỷ, VPBank 251 tỷ, Techcombank 247 tỷ. Những nhà băng này thậm chí còn phải cạnh tranh gay gắt với những ngân hàng ngoại vốn dĩ có ưu thế về nguồn ngoại tệ dồi dào.
Chưa công bố kết quả 9 tháng, tuy nhiên nửa đầu năm tại HSBC Việt Nam, ngân hàng này đã có lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt tới 347 tỷ đồng, chỉ đứng sau Vietcombank, BIDV và suýt gần bằng VietinBank.
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh ngoại hối là một mảng nhiều rủi ro, lên xuống khá thất thường, ngay cả ở những nhà băng lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng sẽ không bỏ qua mảng kinh doanh không kém phần béo bở này khi nhu cầu chi tiêu ngoại tệ cho các hoạt động du lịch, du học, định cư,…ở nước ngoài ngày càng lớn. Lượng kiều hối về Việt Nam cũng tăng nhanh theo từng năm.
Cạnh tranh với nhau đã không dễ, ngân hàng còn đang phải cạnh tranh với cả thị trường “chợ đen”. Mặc dù các nhà băng nhiều năm qua đưa ra không ít chương trình khuyến mại tặng quà, tặng tiền cho khách hàng thực hiện giao dịch ngoại tệ với ngân hàng,…hay bổ sung nhiều tiện ích như cho phép đổi ngoại tệ tại cây ATM thì thói quen mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do của người dân vẫn khó thay đổi.
Vụ việc một người đi đổi 100 USD ở tiệm vàng bị phạt 90 triệu trong thời gian vừa qua gây nhiều xôn xao trong dư luận là ví dụ dễ thấy nhất. Đa phần người dân đều tỏ ra bất ngờ vì bản thân họ trong cuộc sống thường ngày chẳng bao giờ vào ngân hàng để mua bán ngoại tệ mà chọn các tiệm vàng, lý do chủ yếu là ngại thủ tục, ngại mất thời gian.
Hải Vân
Theo Trí Thức Trẻ