Lãi suất liên ngân hàng và lãi tiết kiệm đồng loạt giảm sau động thái của NHNN

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất OMO và lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành.

Ngay sau quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất omo và lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt giảm.

Ghi nhận ngày 15/3, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm từ 5,72%/năm ngày 14/3 xuống còn 5,06%. Tại thời điểm cuối tuần trước, lãi suất liên ngân hàng tại kỳ hạn là 6,22%/năm. Tương tự, lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng giảm 0,45 – 1,5 điểm % so với ngày trước đó xuống còn lần lượt 5,51%/năm, 4,74%/năm và 6,83%/năm.

 Nguồn: NHNN.

Trên thị trường mở (OMO), lãi suất trúng thầu những phiên giao dịch gần đây 15 – 16/3 đã giảm xuống còn 5,5%/năm sau một thời gian dài duy trì ở 6%/năm.

Tại thị trường 1 (huy động vốn từ người dân và tổ chức) trong tuần qua, 4 ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank đã đồng loạt điều chỉnh lãi suất huy động xuống 7,2%/năm tại các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên vào ngày 15/3.

Động thái giảm lãi suất huy động này của 4 ngân hàng quốc doanh diễn ra sau khi NHNN có thông báo về việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành kể từ ngày 15/3. Lần điều chỉnh lãi suất điều hành này không áp dụng với trần lãi suất huy động.

Trước đó ngày 6/3, Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đã giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Ở nhóm tư nhân, nhiều ngân hàng trong thời gian qua cũng điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiền gửi có thể kể đến Nam  A Bank, ABBank, VietBank NCB, Kienlongbank, VietABank, DongABank,…

Tại Nam A Bank, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn (1 – 5 tháng) đã được điều chỉnh giảm 0,5 điểm % xuống còn 5,5%/năm, cách xa mức trần quy định của NHNN là 6%/năm kể từ ngày 17/3. Tương tự, DongABank cũng giảm lãi suất kỳ hạn 1 – 3 tháng xuống 5,5%/năm. Trong khi đó, VietABank lại giảm 0,5 điểm % đối với các kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên.

Sau các đợt điều chỉnh lãi suất liên tiếp của các NHTM chỉ còn hai ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng bao gồm VietBank (9,2%/năm) và ABBank (9,1%/năm). Ngoài ra, một số ngân hàng niêm yết mức lãi suất huy động 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng là BaoVietBank, OceanBank, VietABank và SCB.

Chính sách NHNN đang tập trung vào thị trường 2

Tại talkshow “Đi theo dòng tiền” ngày 15/3, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho biết hàm ý rõ ràng trong việc hạ lãi suất là Việt Nam đang ưu tiên tăng trưởng GDP. Theo đó, những người làm chính sách đã nhìn thấy tăng trưởng gdp là một mục tiêu khó đạt được trong năm nay.

Số liệu về tiêu dùng, hàng hoá, dịch vụ ngay trong tháng 1, tháng 2 yếu hơn cùng kỳ cho thấy đã có sự sụt giảm ở các thị trường xuất nhập khẩu, du lịch hoặc các nhu cầu nội địa.

“Năm nay, lạm phát không đáng e ngại trong khi tăng trưởng lại gặp vấn đề. Chính vì vậy, việc hạ lãi suất để ưu tiên và kích thích tăng trưởng sẽ là một quyết định linh hoạt của Chính phủ, theo quan điểm của tôi,” ông Tuấn cho hay.

Ngoài ra, việc trần lãi suất trần huy động vẫn giữ nguyên cho thấy chính sách NHNN đang tập trung vào thị trường 2 nhiều hơn.

Còn theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, Việt Nam phải giảm lãi suất trước các ngân hàng trung ương khác vì kinh tế của chúng ta đang thể hiện sự suy yếu nhanh và sớm hơn phần đông còn lại. Bên cạnh đó, lãi suất điều hành giảm sẽ kéo theo các lãi suất kỳ hạn ngắn và siêu ngắn giảm theo, điều này có thể sẽ làm chênh lệch lãi suất trong và ngoài nước bị âm trở lại và gây áp lực lên tỷ giá. Áp lực này là không lớn nhưng rủi ro này vẫn tiềm ẩn.

Ông Báu cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang bị phụ thuộc vào nguồn vốn giá rẻ khi giai đoạn 2019-2022 đã được duy trì nền lãi suất rất thấp để chống trọi với COVID-19 nhưng khi NHNN tăng 2% lãi suất điều hành trong thời gian qua thì rất nhiều vấn đề đã xảy ra.

Do đó, với nền lãi suất lãi suất điều hành nhìn chung thấp như hiện tại chúng ta sẽ không còn nhiều dư địa để sử dụng công cụ lãi suất điều hành trong tương lai để kích thích nền kinh tế. Có thể nói chúng ta đang để “con nghiện” qua cơn đau bằng việc cho thêm “thuốc”, ông Báu nhận định.

Dự báo về tình hình lãi suất trong thời gian tới, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lãi suất liên ngân hàng kỳ vọng sẽ có nhịp điều chỉnh tương tự sau động thái giảm lãi suất của NHNN.

Về lãi suất huy động và cho vay, các chuyên gia cho rằng phần nhiều vẫn phụ thuộc vào cung – cầu vốn trong thời gian tới. Tín dụng tăng tốc trong các quý tới cùng với áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp tăng trở lại có thể sẽ là lực cản đối với đà giảm tiếp của lãi suất huy động.

So sánh tài chính
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0