Tiến hành thử nghiệm xây dựng cơ chế hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng

Hiện nay Việt nam có khoảng 200 công ty cung ứng dịch vụ, giải pháp Fintech với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau. Và ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Theo dự thảo Nghị định, thời gian và phạm vi thử nghiệm giải pháp Fintech tối đa 2 năm, tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể.

Theo dự thảo tờ trình Chính phủ về cơ chế liên quan đến Fintech đang được Ngân hàng Nhà nước soạn thảo, trong thời gian qua, ngành ngân hàng thế giới nói chung, ngành ngân hàng Việt Nam nói riêng đã chứng kiến việc ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ mới gắn với thành tựu CMCN 4.0.

Việc ứng dụng các công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud), phân tích dữ liệu lớn (Big data analytics), chia sẻ dữ liệu mở qua giao diện lập trình ứng dụng (open API), chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (A.I)… vào các mô hình kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tín dụng ngày càng phổ biến.

Tại Việt Nam, số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp Fintech đã tăng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau. Trong số đó, có 47 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được NHNN cấp Giấy phép; trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P Lending) là khoảng 100 công ty với nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Tiến hành thử nghiệm xây dựng cơ chế hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng

Lĩnh vực Fintech còn thu hút được sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước, thường là các công ty có thế mạnh về công nghệ, có tập khách hàng lớn như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup… thông qua các hoạt động trực tiếp đầu tư hình thành các công ty cung ứng giải pháp Fintech, hay gián tiếp thông qua thành lập các quỹ đầu tư, tạo vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech…

Tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng, mở rộng phạm vi của Fintech đã khiến cơ quan quản lý tài chính – tiền tệ của nhiều quốc gia phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT), đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà đầu tư.

Các ứng dụng này sử dụng vào các mô hình kinh doanh, cung ứng sản phẩm, dịch vụ, cách thức tiếp cận và tương tác với khách hàng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng có thể tăng hiệu quả hoạt động và gia tăng trải nghiệm khách hàng, giúp khách hàng giao dịch nhanh chóng, an toàn, thuận tiện với các dịch vụ phù hợp, chi phí hợp lý.

Cơ quan soạn thảo cho biết Cơ chế thử nghiệm được xây dựng nhằm đạt được các mục tiêu lớn như thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng qua đó hiện thực hóa mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân và doanh nghiệp theo hướng minh bạch, thuận tiện, hiệu quả với chi phí thấp; tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm đánh giá rủi ro, chi phí, lợi ích của giải pháp Fintech; hỗ trợ xây dựng, phát triển các giải pháp Fintech phù hợp với nhu cầu thị trường, khung khổ pháp lý, quy định quản lý; hạn chế rủi ro xảy ra đối với khách hàng khi tham gia sử dụng các giải pháp Fintech tham gia thử nghiệm chưa được quy định trong khung khổ pháp lý, quy định quản lý chính thức. Kết quả triển khai thử nghiệm giải pháp Fintech được sử dụng làm căn cứ thực tiễn để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, quy định quản lý liên quan.

Căn cứ thực tiễn các lĩnh vực hoạt động của các công ty Fintech tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, phân loại và đề xuất lựa chọn sáu giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép tham gia thử nghiệm tại dự thảo Nghị định gồm cấp tín dụng trên nền tảng công nghệ; chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng; cho vay ngang hàng; ứng dụng công nghệ chuỗi khối, sổ cái phân tán (Blockchain Technology, DLT) trong hoạt động ngân hàng; và ứng dụng các công nghệ khác trong hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, triển khai mô hình hợp tác kinh doanh đổi mới sáng tạo phù hợp với mục tiêu của Cơ chế thử nghiệm.

Cũng như nhiều cơ quan quản lý trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước và một số cơ quan liên quan cũng đang gặp phải những thách thức mới trong công tác quản lý Nhà nước với sự xuất hiện của các công ty Fintech cung ứng hoặc tham gia, hợp tác cung ứng dịch vụ, giải pháp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như cho vay ngang hàng (P2P Lending), thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới, quản lý tài chính cá nhân, chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng (API), chấm điểm tín dụng (Credit scoring),…

Tiến hành thử nghiệm xây dựng cơ chế hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng

Điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị định này là quy định về công ty cho vay ngang hàng trong quá trình tham gia Cơ chế thử nghiệm không được thực hiện các hành vi như cung cấp biện pháp bảo đảm tiền vay; cung cấp dịch vụ môi giới thông tin cho việc vay tiền phục vụ hoạt động đầu tư cổ phiếu và các hoạt động mang tính rủi ro cao khác; sử dụng trái phép nguồn tiền từ khách hàng.

Các nhân sự sáng lập, quản lý điều hành tham gia vay, cho vay và là bên bảo đảm hoặc bảo lãnh qua giải pháp Fintech do mình vận hành cũng không được lợi dụng ưu thế quản lý, điều hành làm thay đổi các thông tin qua giải pháp Fintech, thực hiện hành vi lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Nhân sự quản lý, điều hành Công ty cho vay ngang hàng không được: đồng thời là chủ sở hữu, nhân sự quản lý, điều hành của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cầm đồ, kinh doanh đa cấp; là chủ các dây hụi, họ hoặc đang làm trong lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến trung gian thanh toán, ví điện tử.

Theo dự thảo Nghị định, thời gian và phạm vi thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa hai năm, tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. Căn cứ vào tình hình thực hiện thử nghiệm thực tế, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh thời gian thử nghiệm.

Cơ quan soạn thảo kỳ vọng khi Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được ban hành sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Thực tiễn triển khai thử nghiệm sẽ cung cấp cơ sở thực tiễn quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi, thích ứng đối với hoạt động Fintech lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới.

 

Xem thêm: Động lực nào thúc đẩy lợi nhuận các ngân hàng 2022? – Onlinebank

So sánh tài chính
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0