Theo thống kê, có 11/13 ngân hàng được nới room tín dụng đợt này. Trong đó, Techcombank và TPBank là 2 ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất là 17,1% và 17,4%. Sở dĩ 02 nhà băng này được nới room tín dụng cao nhất do tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro, có những cam kết hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Techcombank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021. Đáng chú ý, sau khi lập kỷ lục về tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) hồi cuối năm 2020, Techcombank tiếp tục nâng tỷ lệ này lên một mốc cao mới.
Cụ thể, cuối tháng 9/2021, tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng tại Techcombank đạt 120.464 tỷ đồng. Tiền gửi ký quỹ đạt 34.545 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ CASA cuối tháng 9/2021 ở mức 49%, tăng đáng kể so với mức 46,1% cuối tháng 6/2021.
Về báo cáo kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của ngân hàng đạt 5.562 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong quý III năm nay của Techcombank đạt 6.742 tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều hoạt động kinh doanh khác cũng có kết quả tích cực: Thu nhập thuần từ dịch vụ tăng 21,2% đạt 1.497 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 103,9% đạt 93,4 tỷ đồng…
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của Techcombank đạt 26.917 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động 7.781 tỷ đồng, tăng 18,7%; chi phí dự phòng rủi ro 2.037 tỷ đồng, giảm 9,2%. Như vậy, tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) của nhà băng này tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, giảm xuống còn khoảng 28,9%.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của Techcombank đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi sau thuế đạt 13.715 tỷ đồng, tăng 60%.
Nợ xấu cuối tháng 9 của ngân hàng là 1.828 tỷ đồng, tăng 534 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 0,57%, thuộc nhóm thấp nhất hệ thống. Hiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank đã đạt 184%, tức cứ 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng này đã dự phòng tới 184 đồng.
Ông Ngô Bình Nguyên – Giám đốc cao cấp Phân khúc Khách hàng SME của Techcombank, cho biết, với mong muốn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, Techcombank đã và đang triển khai nhiều gói giải pháp hỗ trợ thiết thực, kịp thời để cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ngay từ năm 2020, khi dịch COVID-19 lần đầu xuất hiện ở Việt Nam, Techcombank đã dốc hết toàn bộ năng lực về con người, mạng lưới và công nghệ của mình để nhanh chóng triển khai các phương án duy trì giao dịch tài chính thiết yếu cho các khách hàng cũng như đảm bảo tính sẵn sàng nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp.
Techcombank đã triển khai mạnh những gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp. Đặc biệt với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK), ngân hàng đã và đang triển khai chương trình cho vay XNK với tổng giá trị lên tới 230 triệu USD. Ngoài ra, đối với các trường hợp cần thiết, ngân hàng có thể cấp các hạn mức cao hơn thông thường để giúp doanh nghiệp đảm bảo thanh khoản dòng tiền và trang trải chi phí.
Ngoài Techcombank, một số ngân hàng được nới room tín dụng lên từ 13% – 16% gồm: MSB (16%), MB (15%), VIB (14,1%), ACB (13,1%), LPB (13,1%). Các ngân hàng còn lại được nới room lên mức từ 9,5-12,5% gồm: VCB (12,5%), VPB (12,1%), SHB (10,5%), STB (10,5%), OCB (10%), CTG (9,5%).
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng NHNN cho biết, dựa vào xếp hạng A, B, C của từng TCTD để cấp hạn mức tín dụng. Trong các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ 03 tháng cuối năm, NHNN cho biết sẽ định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh. Theo đó, các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được ưu tiên xem xét. Đây cũng chính là lý do khiến Techcombank được cấp tín dụng cao nhất.
Đánh giá về nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tín dụng của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và bán lẻ có thể giảm mạnh, từ đó giảm tăng trưởng về tín dụng chung của toàn ngành. Các ngân hàng được đánh giá là sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tập trung cho vay vào các doanh nghiệp lớn với chất lượng tín dụng cao nhằm hạn chế rủi ro. BSC đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành xuống mức 13% trong năm 2021, giảm 1% so với dự báo trước đó.
Tuy nhiên, dù dịch bệnh COVID-19 có tác động tiêu cực vào nhu cầu tín dụng cũng như dự phòng của các ngân hàng, theo ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng, ảnh hưởng này không làm giảm quá nhiều lợi nhuận, do nhiều ngân hàng đã hoàn thành khoảng 60% kế hoạch lợi nhuận năm và trích lập phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu cần trích trong năm 2021.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng dự kiến đạt lần lượt 408.692 tỷ đồng và 169.857 tỷ đồng – mức cao hơn so với tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường chung. Việc hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ tháng 7/2021 khiến giảm thu nhập lãi trong quý 3/2021, tuy nhiên vào quý 4/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát và nhu cầu tín dụng phục hồi trở lại thì thu nhập lãi cũng có thể tăng trở lại.
BSC dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng lên mức 22,2% (so với mức 18,4% dự báo trước đó) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021. Theo số liệu từ NHNN, các ngân hàng thương mại đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 330.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 540.000 tỷ đồng, tính từ ngày 23/1/2020 và đồng thời miễn, giảm, hạ lãi suất tương đương gần 30.000 tỷ đồng cho trên 1,8 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ trên 3,5 triệu tỷ đồng.
NHNN tiếp tục khẳng định chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được thực hiện trong thời gian tới và việc NHNN sớm nới hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng có chất lượng tài sản và các chỉ số an toàn tốt. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 – 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 – 5% đối với kỳ hạn 6 – 12 tháng và 4,2 – 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 – 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng. Đây sẽ là cơ hội cho cả ngân hàng và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-9 lần thứ 4.