Những điều cần biết về dự thảo quy định mới khi rút tiền gửi trước hạn

Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định cụ thể về việc rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước hạn sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn; đồng thời, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay.

Trong dự thảo Thông tư mới quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế Thông tư 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011, Ngân hàng Nhà nước đã quy định chi tiết hơn về trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần, đặc biệt là mức lãi suất áp dụng với phần tiền gửi còn lại.

Cụ thể, dự thảo nêu rõ: Rút trước hạn tiền gửi là trường hợp khách hàng rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn hoặc ngày chi trả hoặc ngày thanh toán của khoản tiền gửi.

Với trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi thì phần tiền gửi rút trước hạn sẽ được tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn phần tiền gửi.

Đáng chú ý, với phần tiền gửi còn lại, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận mức lãi suất không vượt quá mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần. Mức lãi suất này được áp dụng cho toàn bộ kỳ hạn gửi tiền.

Xem ảnh nguồn

Như vậy, theo dự thảo Thông tư, mức lãi suất cho khoản tiền gửi còn lại tại tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận nhưng sẽ thấp hơn hoặc bằng so với mức lãi suất đã áp dụng tại thời điểm khách hàng gửi ban đầu.

Còn trong trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi. Ở trường hợp này, quy định mới tương tự so với Thông tư 04/2011.

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều quy định khách hàng chỉ được rút trước hạn toàn bộ số tiền gửi mà không được yêu cầu rút một phần. Do đó, dự thảo Thông tư này được cho rằng sẽ giúp khách hàng có thêm lựa chọn, linh hoạt hơn khi cần rút tiền trước hạn mà không phải rút toàn bộ tiền gửi như trước đây.

Tuy vậy, người gửi tiền cũng nên cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn rút trước hạn tiền gửi. Ví dụ với một khoản tiền gửi tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng trong kỳ hạn 12 tháng, nhận lãi cuối kỳ với lãi suất 6,5%/năm. Sau khi gửi được 6 tháng, người gửi tiền muốn rút một phần tiền gửi là 70 triệu đồng.

Chiếu theo quy định mới trong dự thảo, số tiền lãi vị khách hàng trên nhận được từ số tiền rút trước hạn là 35.000 đồng với lãi suất không kỳ hạn 0,1%/năm.

Với 30 triệu đồng còn lại, giả sử lãi suất thỏa thuận áp dụng ở mức 6,5%/năm (bằng mức lãi suất ở thời điểm gửi ban đầu) thì số tiền lãi cuối kỳ nhận được là 1.950.000 đồng. Như vậy, tổng tiền lãi khách hàng nhận được là 1.985.000 đồng.

Trong khi đó, khách hàng còn có lựa chọn khác là vay thế chấp sổ tiết kiệm. Lãi suất cho vay theo hình thức này thông thường được các ngân hàng xác định bằng lãi suất cuối kỳ tương ứng cộng với biên độ từ 1-3%/năm.

Giả sử lãi suất tiền vay áp dụng ở mức 9%/năm. Trong trường hợp trên, khách hàng cần vay 70 triệu đồng trong vòng 6 tháng (đến kỳ hạn tất toán sổ tiết kiệm), lãi vay phải trả sẽ là 3.150.000 đồng.

Lãi gửi tiết kiệm 100 triệu đồng sau 12 tháng sẽ được nhận là 6.500.000 đồng. Trừ đi lãi vay phải trả thì người gửi tiền còn nhận về 3.350.000 đồng.

Như vậy, khách hàng rút tiền gửi trước hạn sẽ được hưởng lãi ít hơn. Do vậy, người gửi tiền cần cân đối và tính toán kỹ lưỡng trước khi rút tiền trước thời hạn.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định cụ thể về việc rút một phần hoặc toàn bộ tiền gửi trước hạn sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng áp dụng thống nhất quy định lãi suất đối với trường hợp rút tiền gửi trước hạn; đồng thời, tạo điều kiện để tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh thị trường tiền tệ hiện nay.

Trước đó, Thông tư 04/2011/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo từng đồng tiền trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn; mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn này là thấp nhất tại thời điểm tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn.

Tiền gửi bao gồm các hình thức tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, trái phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng), cá nhân theo quy định tại Khoản 13 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

So sánh tài chính
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0