Ông Trần Hùng Huy là vị Chủ tịch HĐQT ngân hàng duy nhất ở Việt Nam công khai facebook cá nhân, cũng là người duy nhất tự làm ôsin trong nhà. Người đứng đầu ACB cũng là chủ tịch ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam “kế nghiệp” vị trí này từ cha của mình và trở thành người truyền cảm hứng cho các “chương trình xanh”.
Người truyền cảm hứng cho các “chương trình xanh”.
Tháng 6/2019, một ngày sau lễ kỷ niệm 26 năm ngày thành lập ACB, ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT ngân hàng này, xuất hiện trên facebook cá nhân với một clip pha cà phê. Không xuất hiện với một bộ vest chỉnh tề, ông Huy quay clip cùng chiếc áo thun trên ngực mang dòng chữ “Let there be waves”, với nụ cười như TVC quảng cáo kem đánh răng ở đoạn kết, sau khi đã uống hết cà phê trong chiếc ly inox của mình.
Trong số các vị Chủ tịch ngân hàng tại Việt Nam, ông Huy là người duy nhất xuất hiện công khai trên facebook và trở thành một KOL ít nhất là với nhân viên ACB. Tuy nhiên, vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam vẫn giữ các nguyên tắc về sự thận trọng trong từng con chữ và chỉ chia sẻ hình ảnh gia đình cũng như thông tin về “gia đình ACB”.
Bước ngoặt về mức độ ảnh hưởng trên facebook của ông Huy có lẽ bắt đầu từ thời điểm clip hát và nhảy của ông Huy với đồng nghiệp tại ACB trong lễ kỷ niệm 25 năm, bị lọt ra ngoài. Đó là một bản mashup với một loạt hit như: Ngày mai em đi, Sau tất cả, Uptown Funk, Attention… cùng phong cách cũng cực kỳ “cute hạt me”, và hoàn toàn không giống phong cách nghiêm nghị như mọi người vẫn nghĩ của một chủ tịch ngân hàng. Cũng kể từ thời điểm đó, ông Huy xuất hiện trước công chúng và lên facebook nhiều hơn trước.
Ông Trần Hùng Huy cùng với thế hệ lãnh đạo thứ 2 tại ACB đồng thời cũng tạo ra một hình ảnh rất khác về ngân hàng này kể từ sau sự cố bầu Kiên năm 2012: trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và rất “4.0”.
Trước khi nhận được sự quan tâm lớn của “gia đình ACB” (cách ông Huy gọi ngân hàng mà mình lãnh đạo) và cộng đồng, chủ trương bảo vệ môi trường với việc không sử dụng chai nhựa của ông Huy không được nhiều người ủng hộ. Năm 2015, khi ông Huy ra quyết định không dùng chai nhựa sử dụng một lần trong toàn bộ ngân hàng, rất nhiều người phản đối, kể cả lãnh đạo cấp cao.
Không chỉ đẩy mạnh các thông tin về môi trường nâng cao nhận thức cho nhân viên, đích thân ông Huy ra quyết định tặng hơn 15.000 bộ công cụ giúp giảm thiểu rác thải nhựa đến nhân viên toàn hệ thống để họ có thể trực tiếp tham gia bảo vệ môi trường trong các hoạt động ngày thường. Mục tiêu tiếp theo của ông Huy là tiếp tục lan tỏa việc bảo vệ môi trường đến khách hàng ACB và cộng đồng.
“Kế nghiệp” cha bằng chính năng lực bản thân
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), ông Trần Hùng Huy được biết đến là nhà lãnh đạo tài ba, sở hữu khối tài sản ngàn tỉ nhưng đến năm 40 tuổi vẫn còn độc thân khiến nhiều người thắc mắc.
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978 trong một gia đình có truyền thống làm ngân hàng và được giới tài chính xếp vào dạng “con nhà nòi”. Bố Trần Hùng Huy là ông Trần Mộng Hùng – một trong những người sáng lập và giữ chức chủ tịch ACB trong một thời gian dài, còn mẹ là bà Đặng Thu Thủy cũng làm việc tại ACB từ khi nhà băng mới thành lập và nắm nhiều chức vụ quan trọng.
Gia nhập ACB từ năm 2002 với vai trò là Chuyên viên nghiên cứu thị trường, chỉ sau 4 năm, ông Trần Hùng Huy nhanh chóng được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám đốc, đồng thời là thành viên HĐQT.
Ở tuổi 34, ông Trần Hùng Huy bất ngờ được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT ACB sau những biến động về nhân sự cấp cao của ngân hàng này vào tháng 9.2012, do liên quan đến Bầu Kiên.
Là Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam, ông Trần Hùng Huy được đánh giá cao khi mới hơn 30 tuổi đã có tấm bằng tiến sĩ danh giá tại đại học Đại học Golden Gate (Mỹ). Trước đó, vào năm 2002, ông Trần Hùng Huy đã là Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Chapman (Mỹ).
Ông Trần Hùng Huy rất ít khi trả lời phỏng vấn trực tiếp báo chí kể từ khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT ACB năm 2012. Như vị sếp đầu tiên của ông Huy tại ACB – ông Nguyễn Thanh Toại nói vui: “Do Huy chưa sõi tiếng Việt”. Thực tế, ông Huy có nhiều năm học tập và làm việc tại nước ngoài nên hay dùng tiếng Anh trong trao đổi.
Ông Trần Hùng Huy phải gánh vác nhiệm vụ của người đứng đầu ACB khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm và sự chuẩn bị, lại giữa lúc ngân hàng này gặp nhiều sóng gió. Nhờ những nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ, góp sức của các đồng nghiệp, ông Trần Hùng Huy nhanh chóng đưa ACB thoát khỏi khủng hoảng.
Trên thực tế, khi về nước và vào ACB làm việc, ông Hùng Trần Huy “không nghĩ có ngày mình sẽ ngồi vào chiếc ghế đó” dù cha là người sáng lập, cũng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng. Lý do rất đơn giản, ACB là một công ty niêm yết với hàng chục nghìn cổ đông. Việc trở thành người đứng đầu HĐQT của ngân hàng cổ phần số 1 Việt Nam (lúc đó), với hàng loạt các thành viên gạo cội trong giới tài chính (cả trong nước và nước ngoài) thì không thể chỉ là con của người sáng lập.
Khi ông Huy lên làm Chủ tich HĐQT ACB, rất nhiều người nghĩ đó là một lựa chọn tạm thời khi ngân hàng này đang khủng hoảng và không ai muốn ngồi vào “ghế nóng”. Thế nhưng, sau đó 6 tháng, lần đại hội cổ đồng kế tiếp của năm 2013 và những kỳ họp tiếp theo, ông Huy vẫn tiếp tục ngồi “ghế nóng”. Có lẽ những kết quả kinh doanh ở ACB là lý do để cổ đông và các thành viên HĐQT tiếp tục lựa chọn vị chủ tịch tuổi ngựa (sinh năm 1978) “ngồi yên chiến mã”.
Cho tới năm 2017 – 2018, ACB có 2 năm liên tiếp có kết quả kinh doanh nhảy vọt. Lợi nhuận năm 2018 của ngân hàng này là gần 6.400 tỷ đồng – tăng 2,4 lần so với năm 2017, dù đã trích tơi gần 1.000 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng. Năm 2017, lợi nhuận của ACB cũng đã tăng gần 1,6 lần so với năm 2016… Và một điểm đáng lưu ý khác, tỷ lệ nợ xấu của ACB cũng ở mức thấp nhất toàn hệ thống ngân hàng trong nước, chỉ 0,69% vào cuối năm 2018.
Ngoài việc là người đầu tiên trong hệ thống ngân hàng Việt Nam “kế nghiệp” vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Huy có bằng Tiến sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Golden Gate (Mỹ).
Tốt nghiệp MBA Đại học Chapman (Mỹ) về nước, Huy tự nộp đơn thi tuyển làm nhân viên bán hàng ở ACB mà không nói với cha hay mẹ. Chỉ đến khi trúng tuyển, vào ACB làm thì Huy mới thông báo. Làm ở ACB 3 năm, ông Huy quay trở lại Mỹ theo học Tiến sĩ với lý do “lúc đó mình vẫn là nhân viên cấp thấp, chưa có áp lực nhiều nên thích học thêm”. Thế nhưng, trở lại ACB vào năm 2008, tấm bằng Tiến sĩ của ông Huy bị “treo” vì quá bận rộn, không có đủ thời gian làm luận án.
Năm 2010, khi ACB chuyển định hướng “universal banking” với chiến lược trở thành một tập đoàn tài chính với ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, vàng…, ông Huy một lần nữa lại đi học. “Nhìn vào ngân hàng khi đó thì không ai có kinh nghiệm ở mảng này, các ngân hàng trong nước khác cũng vậy nên Huy muốn đi học thêm trong thực tế ở nước ngoài, để khi về có thể giúp được ACB”, ông Huy giải thích về quyết định sang làm việc tại Tập đoàn tài chính Rothschild (Anh quốc). Trong 2 năm làm việc tại đây, ông Huy giữ vị trí trợ lý Giám đốc nhóm tư vấn sáp nhập tổ chức tài chính.
Khi ông Trần Mộng Hùng soạn đề án thành lập ACB trong nhà của mình cùng một số bạn bè, Trần Hùng Huy mới 14 tuổi. Ông Hùng với tư cách là nhà sáng lập, trở thành Chủ tịch HĐQT ngân hàng từ đầu cho tới khi lui về vị trí Chủ tịch Hội đồng sáng lập. Dưới thời của ông Hùng, ACB từ một ngân hàng cổ phần nhỏ bé đã vươn lên trở thành ngân hàng cổ phần số 1 Việt Nam. Thế nhưng, bản thân ông Hùng với tư cách là người đứng đầu ACB là một người hướng nội, rất ít khi xuất hiện trước công chúng với tư cách Chủ tịch ngân hàng.
Còn với ông Trần Hùng Huy, chức Chủ tịch HĐQT ACB đến bất ngờ có thể coi như một cơ duyên hơn là “thừa kế”. Và như ông Huy chia sẻ: “Từ nhỏ đến lớn, ba mẹ chưa từng gây áp lực cho mình về việc phải kế nghiệp gia đình mà luôn để cho Huy làm điều mình thích và được tự tuyết định. Tuy nhiên, ba mẹ cũng có nói thêm là tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Khi Huy chọn nghề ngân hàng là sở thích riêng và có thêm niềm tự hào về gia đình chứ không bị áp lực gì cả”.
Thực tế, ông Huy dù có cha là người sáng lập, vẫn phải không ngừng nỗ lực để khẳng định bản thân trong chính “gia đình” mà cha mình đã gây dựng nhiều năm. Bản thân ông Huy cũng chưa từng nghĩ đến việc trở thành người đứng đầu ngân hàng trẻ nhất Việt Nam vào năm 2012.
Khi mới làm Chủ tịch HĐQT, ông Huy “nói tiếng Việt còn chưa sõi” như cách nói vui của một lãnh đạo kỳ cựu ACB. Trên thực tế, điều này đúng cả nghĩa bóng (ông Huy mới là người “nhận nhiệm vụ”), lẫn nghĩa đen (do sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, ông Huy hay nói tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt khi diễn đạt).
Năm 2018, ông Trần Mộng Hùng đã rời HĐQT ACB và sau đó “chuyển nhượng” cổ phiếu của mình cho các con. Người sáng lập ACB cảm thấy mình đã hoàn thành sứ mệnh với thế hệ lãnh đạo thứ 2 của nhà băng này. Còn với ông Trần Hùng Huy, dù đã cùng đội ngũ đưa ACB “trở lại yên chiến mã” với lợi nhuận lên tới 6.400 tỷ trong năm 2018 và dự kiến 7.200 tỷ đồng trong năm 2019, trước mắt vị Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam vẫn là những thách thức khổng lồ, chưa rõ lời giải.
Mô hình của ACB giờ đây “không còn quan trọng ở từ bank” mà là “Intergrated financial platform to serve customer needs”. Tuy nhiên, một ACB mới sẽ đương đầu ra sao với các ứng dụng tài chính mà mô hình của họ là giá dịch vụ 1 đồng nhưng bán 0,75 đồng hoặc miễn phí trong thời gian dài… Đó là một bài toán mà ông Huy cùng “gia đình ACB” của mình sẽ còn phải đau đầu trong nhiều năm tới.
Sở hữu khối tài sản ngàn tỉ
Ngoài khả năng lãnh đạo ngân hàng tài ba, ông Trần Hùng Huy còn khiến những người xung quanh ngưỡng mộ vì sở hữu khối tài sản khổng lồ gần 28,8 triệu cổ phiếu ACB (khoảng 1.240 tỉ đồng tính đến thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 8.6.2018).
Theo một lãnh đạo của ACB, kể từ khi sở hữu cổ phiếu ngân hàng này đến nay, ông Trần Hùng Huy chưa từng mua thêm hay bán bớt. Dù giá cổ phiếu ACB biến động mạnh, ông Hùng Huy vẫn thường xuyên nằm ở vị trí khá cao trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ông Trần Hùng Huy, các thành viên khác trong gia đình bao gồm: ông Trần Mộng Hùng, bà Đặng Thu Thủy, bà Trần Đặng Thu Thảo, ông Trần Minh Hoàng đều nắm giữ lượng lớn cổ phiếu ACB.