Năm 2020, cho vay mua nhà đất sẽ khó hơn vì dòng vốn từ các tổ chức tín dụng chảy vào bất động sản sẽ tiếp tục bị siết chặt theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
1. Ảnh hưởng từ các quy định của Ngân hàng nhà nước
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đáng chú ý, nhà điều hành tiếp tục siết mạnh với cho vay mua nhà đất khi chính thức đưa ra lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn.
Con số cụ thể về khoản vay
Từ 1/1/2020 – 30/9/2020 tỷ lệ này là 40%; 1/10/2020 – 30/9/2020 là 37%; 1/10/2021 – 30/9/2022 là 34% và kể từ 1/10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%.
Đặc biệt, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, Ngân hàng Nhà nước còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Con số cụ thể về khoản nợ phải đòi
Các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau sẽ có hệ số rủi ro 50%.
Đối với các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay mua nhà đất / mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021.
Cũng theo thông tư trên, tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bệnh cạnh đó, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 phải gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1/1/2020 nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41 chậm nhất kể từ ngày 1/1/2023.
2. Số liệu về cho vay mua nhà đất của nền kinh tế
Số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho thấy, nếu tính cả tiền cho vay mua, sửa nhà “núp bóng” vay tiêu dùng thì tín dụng đổ vào bất động sản đang chiếm tới 40%.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thống kê đến hết quý III, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,4% so với cuối năm ngoái. Đáng lưu ý, thống kê cụ thể từng phân khúc tín dụng cho thấy đến tháng 8, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả mục đích kinh doanh và mục đích tự sử dụng) tăng tới 14,58% so với cuối năm ngoái và chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương khoảng 1,48 triệu tỉ đồng.
3. Dự đoán của các chuyên gia
Với thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng cần phân định loại hình cho vay bất động sản để quy định hệ số rủi ro phù hợp. Trong trường hợp tín dụng bất động sản có quy mô tiếp tục tăng thì những biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện vẫn là chưa đủ mạnh và rủi ro của việc tín dụng đổ quá nhiều vào bất động sản vẫn còn.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản, diễn biến thị trường bất động sản để có chỉ đạo điều hành phù hợp. Ðồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản cao, tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về định hướng điều hành, cũng như các điều chỉnh quy định về cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.