Thu 270 đầu phí nhưng Visa, Mastercard không chịu giảm cho khách hàng

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có công văn gửi tổ chức thẻ quốc tế Visa, Mastercard kiến nghị miễn, giảm các loại phí trước bối cảnh các ngân hàng đang giảm phí hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

270 đầu phí

Các ngân hàng đóng nhiều loại phí cho tổ chức thẻ quốc tế. ẢNH: T.X

270 đầu phí các loại cho Visa, Mastercard

Cơ cấu phí của các tổ chức thẻ quốc tế (TCTQT) áp dụng cho các ngân hàng (NH) tại Việt Nam rất phức tạp, với số lượng phí thu rất lớn, chia làm 3 nhóm chính gồm phí áp dụng cho mảng phát hành; phí áp dụng cho mảng thanh toán; phí thu khác (liên quan đến hệ thống và các giao dịch tra soát). Trung bình mỗi năm, TCTQT Visa và Mastercard thu từ một NH khoảng 270 đầu phí các loại cho mỗi TCTQT, với tổng giá trị mỗi TCTQT thu của các NH lên tới hàng trăm triệu USD/năm. Trong giai đoạn 2019 – 2020, tổng phí thu của các TCTQT Visa và Mastercard đối với các NH ước tính khoảng hơn 200 triệu USD/năm, tương đương khoảng 5.000 tỉ đồng/năm.
Trong cơ cấu phí thu của các TCTQT, phí xử lý giao dịch chiếm khoảng 80% tổng phí thu từ NH. Phí xử lý giao dịch của các TCTQT bao gồm nhiều loại phí, trong đó TCTQT vừa thu theo số lượng giao dịch và vừa thu theo doanh số giao dịch, dẫn đến tình trạng thu phí chồng phí đối với 1 giao dịch, ví dụ trên 1 giao dịch thẻ, TCTQT có thể thu 3 – 4 loại phí, bao gồm phí cấp phép (authorization), phí thanh toán (settlement), phí thương hiệu, phí chi tiêu trong/ngoài Việt Nam, phí dịch vụ và các loại phí khác theo loại giao dịch.
Đối với giao dịch không được cấp phép chuẩn chi, NH không thu được phí từ đơn vị chấp nhận thẻ nhưng vẫn phải trả phí cấp phép cho TCTQT. Do đó, có trường hợp NH phát hành đã gửi các bản tin giao dịch không thành công (Re-attempt) nhưng vẫn phải trả phí xử lý giao dịch đến trên 20 lần so với phí xử lý giao dịch thành công. Điều này là hết sức vô lý. Mức phí TCTQT áp dụng đối với giao dịch trong nước và tại nước ngoài có sự chênh lệch rất lớn. Đối với phí thu chiều thanh toán, NH thanh toán hiện phải trả phí thu trên doanh số giao dịch của thẻ do NH ngoài Việt Nam phát hành cao hơn từ 10 – 30 lần so với phí thu của giao dịch thẻ do NH trong nước phát hành, trong khi phí thu trên số lượng giao dịch tương ứng cao gấp 10 lần, đặc biệt đối với giao dịch có giá trị nhỏ, mức phí chênh lệch giữa giao dịch nước ngoài và trong nước lên đến 40 lần.
Đối với chính sách thu phí không tuân thủ, các TCTQT áp dụng tỷ lệ tối thiểu để được đánh giá tuân thủ, trong đó có doanh số giao dịch. Trường hợp NH thành viên không đáp ứng được tỷ lệ này, NH phải trả 1 khoản phí phạt dựa trên số tháng không tuân thủ, mức phí trung bình khoảng 2.500 USD/tháng (trường hợp NH phát hành có tỷ lệ dưới mức đạt yêu cầu 0,01% vẫn bị đánh giá không tuân thủ và phải trả phí phạt). Trong khi đó, doanh số giao dịch thẻ chịu tác động của nhiều yếu tố khách quan, tùy thuộc vào tình hình thị trường trong từng thời kỳ, đặc biệt là giai đoạn bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như hiện nay, việc quy định tỷ lệ tuân thủ về báo cáo doanh số giao dịch và áp dụng phí phạt như hiện nay của các TCTQT là rất bất hợp lý.

Doanh số giao dịch thẻ giảm mạnh do Covid-19

Tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh thẻ của các NH hiện nay rất lớn, đặc biệt là đối với mảng thanh toán. Doanh số thanh toán thẻ quốc tế tính đến hết quý 2/2021 giảm 23% so với năm 2019, trong đó, doanh số thanh toán tại nước ngoài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, giảm 85% so với năm 2019. Doanh số thanh toán thẻ trong nước 6 tháng đầu năm 2021 đã sụt giảm từ 50% – 70% so với thời điểm trước khi bùng phát dịch. Trong khi đó, các NH Việt Nam vẫn phải trả mức phí rất lớn cho TCTQT.
Trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, dù Hiệp hội NH Việt Nam đã đề nghị các TCTQT xem xét miễn giảm phí ngay từ khi dịch bệnh còn chưa lan rộng như hiện nay, song TCTQT vẫn chưa phúc đáp và không giảm phí cho các NH Việt Nam. Do đó, Hiệp hội NH Việt Nam đề nghị các TCTQT một số vấn đề về cơ chế thu phí tránh tình trạng thu phí chồng phí, chỉ áp dụng 1 mức phí đối với phí xử lý giao dịch rút tiền mặt, không phân biệt theo giá trị giao dịch, chỉ thu phí đối với giao dịch thành công, không thu phí đối với giao dịch lỗi, không thu phí phạt đối với trường hợp NH thành viên không đạt mức báo cáo doanh số quy định do bị ảnh hưởng bởi Covid-19… Đồng thời về phí xử lý giao dịch (processing fee) giảm tối thiểu 50% phí và miễn, giảm phí trao đổi (interchange fee) NH thanh toán phải trả NH phát hành…
Hiệp hội NH đề nghị các TCTQT phản hồi chính thức bằng văn bản trước ngày 10.9.2021 hoặc bố trí lịch làm việc với Hiệp hội NH và các NH Việt Nam vào trung tuần tháng 9 nhằm làm rõ những thắc mắc mà các tổ chức tín dụng Việt Nam đang yêu cầu tháo gỡ.
Thanh Xuân
So sánh tài chính
Logo
So sánh
  • Total (0)
So sánh
0